Đến nay, TP Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; theo chuẩn của thành phố thì còn 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% và 22.882 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,15% dân số thành phố.

Giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của TP Hồ Chí Minh là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm), hộ cận nghèo dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm). Từ đầu năm 2019, thành phố nâng chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng/hộ/năm; hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng/hộ/năm. Trong hai năm 2019-2020, thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố.

{keywords}
TPHCM đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, không còn hộ nghèo không có nghĩa khoảng cách giàu nghèo đã được rút ngắn. Giải quyết hết nghèo theo tiêu chí đặt ra, nhưng không hẳn là hết nghèo, vì tỷ lệ lạm phát, giá cả thường xuyên thay đổi. Do đó, để nói chất lượng sống của người dân cải thiện tới mức nào, chỉ căn cứ kết quả xóa đói giảm nghèo (theo tiêu chí) là chưa đủ, mà còn phải dựa vào việc giảm bất bình đẳng giàu nghèo.

Tương tự, về trật tự an toàn xã hội, cần nhìn nhận xem cuộc sống người dân hiện nay có an toàn không. Người dân có cảm thấy an toàn khi ra khỏi nhà, có dám khóa cửa đi làm ăn, du lịch xa dài ngày? Đây là những chỉ báo cụ thể phản ánh tình hình trật tự an toàn xã hội, chứ không chỉ là tỷ lệ tội phạm tăng hay giảm. Dựa vào thực tế chất lượng sống của người dân mới là nội dung quan trọng nhất, nếu không nói là mục tiêu tối thượng cần phải được xem xét, đánh giá.

Bởi vậy, Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đánh giá cụ thể về những kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được đặt ra ở kỳ đại hội trước. Phần đánh giá kết quả phát triển kinh tế, bên cạnh những chỉ số tăng trưởng, cần nhận diện sự thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế thành phố như thế nào.

Nói cách khác, thành phố quan tâm việc người dân thành phố đã thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế ra sao, sự thụ hưởng đó đồng đều hay chỉ tập trung vào một số nhóm, tầng lớp. Nếu sự thụ hưởng không công bằng thì kinh tế của thành phố có phát triển, tăng trưởng tốt vẫn chưa đảm bảo cho người dân thành phố. Cụ thể, khi đánh giá việc hỗ trợ người nghèo, bên cạnh kết quả thực hiện, cần đánh giá một chỉ tiêu quan trọng - đó là khoảng cách giàu nghèo tại thành phố hiện nay ra sao. 

Anh Phương