Tại tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh" do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức ngày 16/9, một số ý kiến đánh giá dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành vẫn "đặt cược" vào điện than trong vòng 10 năm của quy hoạch (2021 - 2030) và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035 - 2045. Đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi. Bên cạnh đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa nhìn nhận đúng về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo vì thế chưa đưa ra các giải pháp hiệu quả để khai thác, phát triển nguồn năng lượng này.

Theo dự thảo này, nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm khoảng hơn 8.000 MW và điện than sẽ tăng hơn 3.000 MW. Nhìn từ phân loại 30.000 MW điện than theo hiện trạng tiếp cận vốn có thể thấy, đến nay chỉ có 10 dự án điện than đã thu xếp được vốn và đang xây dựng với công suất 10.800 MW, nhưng có tới 15 dự án đang ở bước đàm phán, chưa huy động được vốn với công suất khoảng 16.400 MW.

{keywords}
Các nhà khoa học góp ý rằng, lựa chọn mở đường hay thắt chặt lộ trình chuyển dịch xanh sẽ quyết định đến định hướng phát triển xanh của Việt Nam trong tương lai.

Bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho rằng, đối với những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét cẩn trọng và tìm các phương án thay thế. Quy hoạch Điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.

TS. Nguyễn Đức Tuyên - Viện Điện Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho ý kiến “Chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn: một hệ thống điện truyền thống hay một hệ thống điện tiên tiến, hiện đại. Nếu được, chúng ta hãy dũng cảm chọn một hệ thống điện mà tỉ lệ nguồn năng lượng sạch lớn hơn, theo đuổi bước đi của các nước tiên tiến trên thế giới, tránh lặp lại những cái chúng ta nghĩ là bền vững nhưng lại trở nên lạc hậu trong thời gian tới".

"Để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cần đẩy mạnh công nghệ hiện đại như vận hành linh hoạt, dự báo công suất phát, lưới điện thông minh, phát triển nguồn điện phân tán và lưu trữ năng lượng" – TS. Nguyễn Đức Tuyên khuyến nghị.

Bởi vậy, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện nay so với các bản dự thảo trước đang thắt lại sự phát triển của nguồn năng lượng sạch.

Vì, nếu tiếp tục phát triển điện than là đi ngược lại các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải nhà kính, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đối mặt với thuế carbon từ các đối tác lớn, trong đó có Liên minh châu Âu.

 

Kiều Oanh