Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đăng thông báo nêu rõ: “Không có loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19” để khuyến cáo mọi người cẩn trọng với thông tin thất thiệt. 
 
Đó là một ví dụ cho thấy diễn biến phức tạp của tin giả trên mạng xã hội hiện nay.

{keywords}
Tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của tin giả trên mạng xã hội

Lợi dụng thời gian chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đăng thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội, làm nhiễu loạn, tạo tâm lý hoang mang, gây nhiều khó khăn, cản trở cho công tác phòng, chống dịch. Nguyên nhân không chỉ do người thiếu hiểu biết vô tình chia sẻ, phát tán thông tin sai với mục đích câu like, câu bình luận… tiếp tay cho việc lan tràn tin giả; mà còn do những người có hiểu biết, có tri thức, nhưng cố tình thổi phồng, đưa tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, vô căn cứ nhằm gây bất ổn tình hình trật tự xã hội.
 
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả những hành vi đăng tải, phát tán tin giả trên không gian mạng đều có chế tài, nhẹ thì nhắc nhở, xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật An ninh mạng và sau đó là Nghị định 15/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15-4-2020) với việc chú trọng xử lý các hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, tưởng như đã tạo ra cú huých về nhận thức với “cư dân mạng”: trước khi nhấp chuột hay nhấn nút en-tơ trên bàn phím phải cẩn trọng hơn nhưng dường như, mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... là chưa đủ sức răn đe.

Theo thống kê trong thời gian chống dịch Covid-19 đợt 1 vừa qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt 21 vụ (tổng số tiền phạt là 203 triệu đồng), nhắc nhở 26 vụ đối với các đối tượng tung tin giả mạo. Đáng lưu ý là có cả luật sư tham gia đưa tin giả mạo trên mạng xã hội (một nam luật sư ở Hà Nội đã bị xử phạt 8 triệu đồng vì hành vi đăng trên Facebook cá nhân nội dung sai sự thật về nữ phóng viên mắc Covid-19).
 
Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube. Song, việc người dùng chủ yếu sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới cũng khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều cản trở, bất cập trong công tác quản lý, đấu tranh với những vi phạm của người sử dụng mạng xã hội nhằm bảo đảm môi trường lành mạnh và hạn chế những tác động tiêu cực.

Vì thế, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân. Cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu và có cách thức giám sát các “ông lớn” công nghệ cung cấp nền tảng Facebook, Google phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam; cam kết không lưu trữ, truyền phát những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; hợp tác chặt chẽ trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc… Và không thể lơ là việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các hành vi sai phạm trong việc thông tin trên mạng xã hội.
 
Trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi người dùng mạng xã hội trước hết cần trở thành “người đọc thông thái” với trách nhiệm công dân thật sự đầy đủ trong việc đưa tin, chia sẻ thông tin. Mỗi “cư dân mạng” cần bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật, thật sự trở thành một phần của “lá chắn” trước những luồng thông tin độc hại.

Ngọc Ánh