Cách đây hơn một thập kỷ, khi đang giữ vị trí Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp từng có ý tưởng thành lập một quỹ xuất bản có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ cho hoạt động báo chí, xuất bản.

Ý tưởng của ông được đưa ra trong bối cảnh nhiều tờ báo in bắt đầu sa sút, gặp khó khăn về phát hành, quảng cáo. Khi ấy internet đã vào Việt Nam được hơn 10 năm và xu thế làm báo trực tuyến bắt đầu nở rộ, kể cả ở các cơ quan có báo in truyền thống.

Nhiều cơ quan báo chí lâm vào tình trạng báo in ngày càng sụt giảm trong khi vẫn phải đầu tư cho báo trực tuyến mà không có được doanh số đáng kể.

Quanh thời điểm Việt Nam vào WTO, các tờ báo đã đua nhau ra bản điện tử, nhiều tờ báo mạng điện tử mới, trang tin điện tử được cấp phép.

Trên thực tế, nhu cầu quảng cáo trên báo mạng điện tử ngày một tăng cùng với sự gia tăng của quy mô nền kinh tế. Song đa số chi phí đó lại “chảy vào túi” ông lớn công nghệ Facebook và Google, chỉ một phần nhỏ chưa đến 5% “chảy” vào báo mạng điện tử trong nước.

Có chuyên gia công nghệ nhận xét, các doanh nghiệp bỏ ra chi phí tới 80% dành cho marketing sản phẩm trên Facebook và Google, trong khi lại chỉ bỏ phần nhỏ để làm thương hiệu trên báo chí chính thống. Nhiều tờ báo lại làm đại lý cho chính Google, Facebook qua các quảng cáo adsense, vô hình trung khiến chi phí quảng cáo của doanh nghiệp tiếp tục đổ vào hai nhà cung cấp nền tảng này.

{keywords}
Kinh tế báo chí là bài toán khó với bất cứ cơ quan báo chí nào. Ảnh minh họa

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Tập đoàn truyền thông Le Bros cho biết, theo tính toán của tổ chức ANTS, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó “miếng bánh” cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì.

Thế nhưng đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550  triệu USD, và điều đáng nói là Facebook và Google cộng lại là 387 triệu USD, chiếm gần hết tổng doanh thu này.

Năm 2019 thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến vào khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD.

Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.

Đi tìm lời giải

Khi xây dựng dự thảo Luật báo chí năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông từng đưa ra hai phương án, trong đó có phương án cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Rõ ràng, làm kinh tế trong báo chí là nhu cầu cần thiết, song trên thực tế, câu chuyện kinh tế báo chí vẫn còn nhiều tâm tư, cần có sự thay đổi từ nhiều bên liên quan, đặc biệt là thay đổi tư duy quản lý.

Tiếc là hồi đó nhiều ý kiến không đồng tình nên các cơ quan báo chí chỉ được công nhận là đơn vị sự nghiệp có thu, làm hạn chế sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ khác của các cơ quan báo chí.

Nhìn trên bình diện chung, phát triển kinh tế báo chí vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí phải xác định các loại hình báo chí: Ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính.

Trong phần Giải pháp Thực hiện của Đề án, nội dung về Tài chính có viết: Nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cơ quan báo chí giảm chi phí, tăng nguồn thu để phát triển. Phân định rõ cơ chế tài chính đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và báo chí chủ yếu phục vụ giải trí, thương mại. Nhà nước chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; có hỗ trợ ngân sách đối với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng giai đoạn, khu vực.

Hiện nay, nhằm gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng tiêu chí để xác định các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, với quan điểm, nguyên tắc là những hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thì nhà nước sẽ đảm bảo về kinh phí, có thể bằng cơ chế đặt hàng, mua dịch vụ... để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, bản thân các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán tự chủ. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải tư duy theo hướng tờ báo của mình là một công ty trong ngành công nghiệp tin tức, và phải tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả cho tòa soạn.

Một số giải pháp được các tòa soạn áp dụng tạo ra nguồn thu như xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu… Vì thế, việc tòa soạn nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay DN nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin ngày càng trở nên phổ biến theo đúng quy luật phát triển. Theo đó, báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin và DN đồng hành, hỗ trợ các cơ quan báo chí sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin.

Ngoài ra báo điện tử cũng cần tính đến tăng nguồn thu từ thu phí đọc báo online.

Ông Lê Quốc Minh từng chia sẻ, để thay đổi thói quen đọc báo miễn phí của bạn đọc, từ năm 2012, Báo điện tử Việt Nam Plus của TTX Việt Nam đã triển khai việc thu phí từ bạn đọc và trở thành cơ quan báo chí đầu tiên thực hiện thu phí người đọc báo ở Việt Nam.

Theo ông Minh, mô hình này đã đem lại những thành công bước đầu. Ngoài việc nâng cao chất lượng nội dung bài báo có thu phí, nút thắt trong khâu thanh toán dịch vụ đọc báo điện tử được tháo gỡ thông qua cước điện thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc.

Hải Vân