Dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam rất phức tạp và diễn biến với tốc độ nhanh. Các chùm ca bệnh được báo cáo đồng thời tại 30 tỉnh/thành phố trong vòng chưa đầy một tháng.

Với công tác truy vết và xét nghiệm triệt để, tôi dự đoán Việt Nam sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh và có thể có thêm tỉnh thành báo cáo các ca bệnh. Có nguy cơ rất cao các trường hợp bệnh trong cộng đồng sẽ tiếp tục được phát hiện trong những ngày tới, và có thể từ những nhóm người cách ly như F1.

{keywords}
Ảnh minh họa Phạm Hải

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, một vài tuần tới rất quan trọng trong việc kiểm soát các ổ dịch.

Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, ông Kidong Park cho rằng, các biện pháp xã hội và y tế công cộng được khuyến nghị hiện nay, cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân theo thông điệp 5K của chính phủ như vệ sinh tay, giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm cả các biến thể đáng lo ngại.

Theo đánh giá của người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam,  Việt Nam đã thiết lập năng lực mạnh mẽ về xét nghiệm RT-PCR với thời gian cho kết quả nhanh chóng. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục sử dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR. Đây vẫn là phương pháp được khuyến nghị để xác nhận Covid-19 vì nó có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất.

Bên cạnh đó, để tránh việc quá tải của các nhân viên y tế trong thu thập và xét nghiệm mẫu, WHO khuyến nghị Việt Nam cần cân bằng một cách tốt nhất giữa việc thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với nguồn nhân lực và vật tư sẵn có.

Việc xét nghiệm cần thực hiện theo phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ để tránh quá tải tại các phòng thí nghiệm. (Vì phòng thí nghiệm quá tải có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân viên phòng thí nghiệm và nhân viên y tế, dẫn đến kết quả sai lệch...).

Vì thế, Việt Nam có thể ưu tiên xét nghiệm những người có các dấu hiệu và triệu chứng của Covid-19, nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (SARI) và hội chứng cúm (ILI), những người tiếp xúc gần được xác định thông qua điều tra dịch tễ về các trường hợp/chùm ca bệnh và những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế.

Tại những khu vực có bùng phát dịch, có thể áp dụng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh để hỗ trợ ứng phó dịch nhằm phát hiện sớm và cách ly sớm các ca bệnh. Phương pháp xét nghiệm này dễ sử dụng hơn, cho kết quả nhanh hơn, và chi phí ít hơn.

Tuy nhiên, xét nghiệm kháng nguyên hiện không tin cậy như xét nghiệm RT-PCR và không nên được coi là có thể thay thế xét nghiệm RT-PCR.

WHO khuyến cáo sử dụng xét nghiệm kháng nguyên để chẩn đoán SARS-CoV-2 trong một số trường hợp cụ thể như: khi không có RT-PCR hoặc khi thời gian để có kết quả của xét nghiệm RT-PCR quá lâu; xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 5-7 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng để sàng lọc những người có nguy cơ mắc bệnh.

"Do Việt Nam có năng lực xét nghiệm RT-PCR tốt, có thời gian quay vòng tốt, Việt Nam nên tiếp tục áp dụng xét nghiệm RT-PCR. Đây là “tiêu chuẩn vàng”để xác định các ca mắc Covid-19 do có độ nhạy và độ đặc hiệu cao", ông Kidong Park nhấn mạnh.

Nếu tính tới nguy cơ phòng thí nghiệm bị quá tải, Việt Nam có thể sử dụng xét nghiệm kháng nguyên để xác định nhanh các ca bệnh ở khu vực có dịch bùng phát, nhằm giảm nhẹ áp lực đối với các phòng xét nghiệm RT-PCR.

Tuy nhiên, ngay cả khi kết quả của xét nghiệm kháng nguyên là dương tính, kết quả đó cần được khẳng định bởi xét nghiệm RT-PCR, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đoàn Bổng