Bệnh trên gia súc được Chính phủ đưa vào diện phòng chống cấp Quốc gia gồm: Lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi và bệnh dại. Đây là những bệnh có thể lây lan sang người, hoặc thiệt hại lớn về kinh tế.

Chín tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh gia súc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, số lượng trâu, bò bị chết, buộc phải tiêu hủy lớn. Riêng từ ngày 16/8, đã có 10 địa phương xuất hiện ổ dịch lớn.

{keywords}
Tiền Giang dốc toàn lực phòng chống dịch bệnh gia súc.

Trước tình hình bệnh vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có chiều hướng gia tăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển ổn định. 

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trong đó yêu cầu chủ nuôi, thú y cơ sở, chủ cửa hàng thuốc thú y, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi, người buôn bán và người dân địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, xác minh dịch bệnh, xử lý ổ dịch một cách nhanh nhất, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi đã được tỉnh chủ động thực hiện qua việc mua vắc xin dự phòng và xây dựng các kịch bản phòng bệnh.

Đối với ngành chăn nuôi, các địa phương cần tiếp tục quan tâm phát hiện bệnh sớm, dập dịch nhanh để sớm ngăn được dịch bệnh trên vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ gia súc và kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập sản phẩm chăn nuôi; chú trọng thực hiện tốt công tác tiêu độc sát trùng.

Ngoài giải pháp tiêm vắc xin, vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học… tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh cho lực lượng cán bộ nông nghiệp, thú y cơ sở…

UBND tỉnh yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện) tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

UBND cấp huyện chủ động bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiếu trên 80% tổng đàn; đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dại, tụ huyết trùng trâu, bò, dịch tả lợn cổ điển...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật; áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Thanh Hùng