Theo đó, mục tiêu do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra đến năm 2030 và năm 2045 là công suất cấp điện lần lượt đạt khoảng 1.493MW và 2.631MW, sản lượng điện 9.116 triệu kWh và 16.142 triệu kWh; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 7% và 15%; ưu tiên phát triển các nguồn NLTT đạt từ 15 - 20% và 25 - 30%; giảm phát thải khí nhà kính khoảng 15% và 20%.

{keywords}
Một góc Mỹ Tho, Tiền Giang

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc sử dụng nguồn điện mặt trời không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường do giảm thiểu lượng khí CO2 thải ra. Cụ thể, đối với hệ thống NLMT có công suất 10kWp lắp áp mái, mỗi năm có thể giảm 13,32 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Đặc biệt, do tỉnh Tiền Giang nằm trong vùng bức xạ chiếu sáng cao, trung bình 1.581 kWh/m2/năm nên bức xạ chiếu sáng đảm bảo cho sự vận hành của tấm pin NLMT.  

Ngoài ra, do nằm ở vị trí cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, địa thế thuận lợi, có bờ biển dài 32km chạy dọc theo 02 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông, với 02 hướng gió chính là Tây Nam và Đông Bắc, tốc độ gió bình quân trong năm dao động từ 6,6 - 6,9 m/s (ở độ cao 104m), nền nhiệt độ cao (nhiệt độ trung bình 27,60C)… nên tỉnh có nhiều tiềm năng để khai thác nguồn năng lượng gió.

Được biết, cho đến nay, có 02 nhà đầu tư được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận chủ trương cho lập 04 hồ sơ dự án nhà máy điện gió ở huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông, với tổng công suất trên 1.000 MW, để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030.

Trong đó, dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông (150 MW) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dự án nhà máy điện gió Tân Thành (247,5 MW) và dự án nhà máy điện gió Tân Điền (99 MW) đang được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đối với quy hoạch Trung tâm Điện lực Tân Phước (công suất 3.000 MW), Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch từ sử dụng nhiên liệu than thay bằng khí hóa lỏng (LNG).  

Kiều Oanh