Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt cũng như giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước như sau:

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu ngành lúa gạo

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tuy lượng có giảm nhưng kim ngạch lại tăng cao và mang lại lợi ích cho người nông dân trồng lúa.

Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

{keywords}
Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực mang tầm chiến lược đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dần được mở rộng.

Số liệu về kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường "có yêu cầu cao về chất lượng" đã cho thấy những "tín hiệu" tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của ngành nông nghiệp nói chung cũng như của các doanh nghiệp nói riêng trong các năm gần đây.

Đơn cử như cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm chiếm 27,15% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo japonica chiếm 3,39%, gạo nếp chiếm 9,26%… 

Nhìn chung, mức giá xuất khẩu bình quân hiện nay đã đảm bảo cho người nông dân có lãi khi so sánh với giá thành xuất khẩu bình quân thóc kế hoạch vụ Đông Xuân 2020 - 2021.

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực mang tầm chiến lược đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dần được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán gạo cao hơn so với gạo trắng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu cho gạo Việt Nam.

Do vậy, để xuất khẩu gạo tăng trưởng hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội thị trường.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan được giao chủ trì về sản xuất tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao giá trị và chất lượng gạo Việt Nam, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.

Hơn nữa, cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.

Xuất khẩu hàng rau quả chế biến có mức tăng trưởng khả quan

Rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của ngành nông nghiệp trong suốt nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,1%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Quý I năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với thị phần chiếm khoảng 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 24,4%.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 168,8 triệu USD, duy trì mức tăng trưởng 12,5%, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 bùng phát năm 2020; trong đó, riêng trái cây đạt 72,9 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ. 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 23,4 triệu USD, tăng 3,7%, chiếm 4,2% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành.

Tính đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài. Tuy nhiên lượng xuất không đáng kể, chiếm thị phần nhỏ do các chi phí như vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ… liên quan đến xuất khẩu trái cây tươi còn cao nên kém cạnh tranh so với các nước có địa lý gần hơn. 

Thế nhưng, xuất khẩu hàng rau quả chế biến lại có mức tăng trưởng khá khả quan do sự thay đổi về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, đây là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu và chiếm ưu thế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. 

Mạnh Hưng (lược ghi)