Trong tháng 3/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giải ngân đạt 26.079,93 tỷ đồng, lũy kế 3 tháng giải ngân đạt 60.749,635 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (13,09%); trong đó, vốn trong nước đạt 14,74%, vốn nước ngoài đạt 0,66%.

Có 3 bộ và 19 địa phương giải ngân đạt trên 15% kế hoạch; trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình đạt 43,24%, Bộ Công an đạt 31,62%, Bắc Ninh đạt 30,2%, Hưng Yên đạt 28,67%, Thanh Hóa đạt 27,79%, Hà Nam đạt 27,63% kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn của một số dự án trọng điểm đạt thấp như: dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đạt 13,3% kế hoạch; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt 14,65% kế hoạch.

{keywords}
Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ vận hành vào cuối năm 2021.

Xác định rõ việc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Bộ Tài chính đã xây dựng Chương trình công tác với nhiều giải pháp cụ thể. Quy trình thanh toán, quyết toán sẽ được minh bạch hóa và quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư. Đồng thời, tăng cường kiểm tra phân bổ vốn, đôn đốc các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng DA và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis để bảo đảm nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân. Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn ĐTC để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các DA ĐTC.

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công.

Theo đó, tổng mức đầu tư của các dự án phải được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở các quy định của nhà nước về định mức, suất đầu tư... tránh tình trạng phê duyệt tổng mức đầu tư vượt quá nhiều so với đầu tư thực tế, nhằm lợi dụng ngân sách nhà nước, gây lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, hiệu quả dự án, lợi ích người dân và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Xuân An