Tiến trình giảm nghèo đối mặt nhiều khó khăn

Bước vào năm 2020, Thừa Thiên Huế đã sớm bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, song song với đó là cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tỉnh đặt mục tiêu năm nay giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5% so với năm 2019, tức tương ứng giảm 1.480 hộ nghèo. Tuy nhiên, mới chỉ qua 1 tháng đầu năm 2020 và kéo dài cho đến nay, dịch COVID-19 đã làm trở ngại nhiều kế hoạch, hoạt động cũng như gây đảo lộn đời sống sản xuất của rất nhiều người dân, doanh nghiệp, trong đó, có những hộ nghèo, cận nghèo.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã có nhiều chính sách, hoạt động kịp thời để hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chẳng hạn quyết định miễn tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài, không chỉ không thể giảm hoặc giữ vững tỷ lệ hộ nghèo mà nguy cơ xuất hiện số hộ nghèo mới rất dễ xảy ra.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 12.901 hộ nghèo/36.725 khẩu; trong đó, khu vực thành thị 2.790 hộ/8.182 khẩu, khu vực nông thôn 10.111 hộ/28.543 khẩu. Hộ cận nghèo có 13.994 hộ/48.803 khẩu; trong đó, khu vực thành thị 3.429 hộ/12.220 khẩu, khu vực nông thôn 10.515 hộ/36.583 khẩu.

Năm 2020, tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 81,373 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào thực hiện các dự án thành phần như: Chương trình 30a; Chương trình 135; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và 135; truyền thông và giảm nghèo về thông tin...

{keywords}
Cùng với đảm bảo cấp BHYT cho người nghèo, cận nghèo, công tác hỗ trợ về nhà ở cũng được lồng ghép thực hiện tích cực thông qua vận động, kêu gọi từ các nguồn lực để xoá nhà tạm, cải thiện nhà ở kiên cố cho hộ nghèo.

Tập trung giảm nghèo bền vững

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo theo nhiều thách thức cho năm 2020, tỉnh vẫn giữ quan điểm trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững là "trao cần câu" cho người nghèo. Suốt những năm qua, các địa phương, ban, ngành đã tạo điều kiện cho nhiều người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn và được định hướng cách làm ăn, sản xuất nông lâm ngư nghiệp.

Có không ít hộ gia đình từng là hộ nghèo nhiều năm đã thoát nghèo nhờ được tạo điều kiện cấp đất sản xuất và hỗ trợ vốn vay, tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng chọt, từ đó tăng gia sản xuất có hiệu quả, thu nhập tạm ổn.

Theo đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", việc trước tiên là phải giải quyết ổn định công ăn việc làm cho các đối tượng nghèo. Ngoài tạo điều kiện dạy nghề, học nghề, ngành đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và ngoài nước để giới thiệu, cung cấp nguồn lao động, nhất là ưu tiên cho lao động nghèo, lao động nông thôn.

Tại các thôn, bản thuộc huyện miền núi, ngành sẽ phối hợp và đưa ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động với chính quyền địa phương, xem đây là tiêu chí để đánh giá, xếp hạng thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đảm bảo cấp BHYT cho người nghèo, cận nghèo, công tác hỗ trợ về nhà ở cũng được lồng ghép thực hiện tích cực thông qua vận động, kêu gọi từ các nguồn lực để xoá nhà tạm, cải thiện nhà ở kiên cố cho hộ nghèo.

Trong năm 2020, tỉnh kêu gọi thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù. Trong đó có kế hoạch phân công các đơn vị, ban, ngành trợ giúp 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%; kế hoạch xoá nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với mức hỗ trợ cho các hộ nghèo này theo quy định. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 340 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công sẽ được tập trung hỗ trợ thoát nghèo trong năm 2020.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương nhằm đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước tỉnh nói chung và các huyện, thị xã và thành phố Huế nói riêng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện chủ động rà soát nguồn thu ngân sách, xây dựng phương án điều hành chi ngân sách theo phương châm “Thu giảm, chi giảm”. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2020 của các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ ngành y tế) cấp tỉnh và các huyện, không bao gồm các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các khoản chi đặc thù khác.

Duy Khánh, Xuân Anh
Ảnh: Vân Anh