Tôn trọng và bảo đảm quyền con người của phạm nhân, Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định rõ về chế độ lao động của phạm nhân.

Cụ thể: Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời giờ lao động của phạm nhân không quá 8 giờ trong 1 ngày và 5 ngày trong 1 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

{keywords}
Thời gian lao động của phạm nhân được quy định không quá 8 giờ trong 1 ngày. Ảnh minh họa

Trại giam phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.

Luật quy định, phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động.

Với phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tùy mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động.

Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp: Bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; đang điều trị tại cơ sở y tế; có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.

Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự của Chính phủ nêu rõ thêm, trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu lao động học nghề, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật lao động, không quá 2 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm.

Không bố trí công việc nặng nhọc, độc hại theo danh mục do pháp luật quy định đối với các trường hợp phạm nhân là nam từ 60 tuổi trở lên, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là nữ, phạm nhân được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe (mắc bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần)…

Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng có quy định về việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ đi các chi phí hợp lý, được sử dụng để: Bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập Quỹ hoà nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động,...

Thống kê tại Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, trong thời gian 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2019), các trại giam đã tự tổ chức và phối hợp với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị để tổ chức lao động, dạy và truyền nghề cho phạm nhân (đã tổ chức thành công 6.757 lớp dạy, truyền nghề cho 368.183 phạm nhân; cấp chứng chỉ nghề cho 31.044 phạm nhân).

Cũng trong vòng 10 năm này, các trại giam đã trích từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân hơn 436 tỷ đồng để chi thưởng và chi bổ sung mức ăn cho phạm nhân; hơn 109 tỷ đồng hỗ trợ phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng; hơn 138 tỷ đồng chi tổ chức đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho phạm nhân,...

Việc lao động của phạm nhân trong trại giam ở Việt Nam được thực hiện bởi Luật Thi hành án hình sự, xuất phát từ phán quyết của toà án (phạm nhân là người bị toà án tuyên là có tội, phải chịu hình phạt và phải thi hành quyết định thi hành án của toà án), đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân...

Do vậy, có thể khẳng định lao động của phạm nhân là một trong năm trường hợp “ngoại lệ”, không bị coi là lao động cưỡng bức theo hai Công ước 29 và 105 của ILO.

{keywords}
Phạm nhân được lao động, cải tạo và hưởng thành quả lao động. Ảnh minh họa

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi việc lao động của các phạm nhân trong trại giam không phải là hoạt động nhằm mục đích kinh doanh mà là hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề. Với phương châm trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân góp phần cải tạo những tư tưởng ăn bám, lười lao động, không biết tôn trọng các sản phẩm lao động, thành những người biết trân trọng giá trị lao động chân chính, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật trong lao động.

Đồng thời, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong trại giam còn giúp cho phạm nhân rèn luyện được sức khoẻ, có được định hướng nghề nghiệp, kỹ năng và thói quen lao động, giúp họ sau khi ra trại có thể tìm kiếm việc làm, sớm tái hoà nhập cộng động, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình, không tái vi phạm pháp luật.

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đối với phạm nhân là buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập, học nghề để trở thành người có ích cho xã hội. Mặt khác, việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn, trong một thời gian dài, nếu không tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn trại giam.

Tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân chính là một trong những biện pháp góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trại giam, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả, góp phần phục vụ đắc lực công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.

 

Phạm nhân được lao động, cải tạo và hưởng thành quả lao động

Theo Điều 32 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về chế độ lao động của phạm nhân, trong đó, thời giờ lao động của phạm nhân được quy định theo hướng linh hoạt hơn đối với các trại giam. Cụ thể, thời gian lao động của phạm nhân không quá 08 giờ trong 01 ngày và 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị Trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 33 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về tổ chức lao động cho phạm nhân là quy định mới của Luật trong đó cho phép Trại giam hợp tác với các tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Theo đó, Giám thị Trại giam sẽ căn cứ vào độ tuổi, sức khoẻ, giới tính, mức án, tính chất mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của Trại giam; khả năng hợp tác với các tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân.

Trong Điều 34 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về sử dụng kết quả lao động cho phạm nhân đã bổ sung một số điểm mới về chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung quy định việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động.

Theo đó, các phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất được chi trả một phần công lao động nhằm mục đích động viên kịp thời đối với số phạm nhân này khi họ trực tiếp lao động sản xuất làm ra các sản phẩm hàng hoá. Đối với số phạm nhân lao động cải tạo không làm ra sản phẩm hàng hoá thì được hưởng các chế độ như: bổ sung mức ăn, chi hỗ trợ khi chấp hành xong án phạt tù, khen thưởng,...

 

Trần Hải