Huyện Thanh Chương hiện có hơn 4500 ha chè các loại. Là địa bàn không có lợi thế để phát triển công nghiệp và dịch vụ, huyện Thanh Chương xác định ngoài cây lúa chè là cây kinh tế mũi nhọn nên đã tập trung đầu tư.

Theo thống kê mới nhất hiện toàn huyện có trên 10 000 hộ dân tham gia trồng với tổng diện tích khoảng 4500 ha. Với năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha, mỗi năm có thể đạt đạt trên 200 000 tấn, thu về trên 800 tỷ đồng. Trong lứa chè xuân đầu năm nay, người trồng chè toàn huyện có thể thu về trên 40 tỷ đồng, một khoản tiền đáng kể nâng cao đời sống và tái sản xuất, làm tiền đề cho những lứa chè bội thu tiếp theo trong năm.

{keywords}
Hệ thống tưới pét tưới cho chè của anh Nguyễn Văn Bình ở bản Tả Xiêng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương)

Do vậy, trong bài phát biểu mới đây, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, Thanh Chương nên giữ vững diện tích cây chè với vai trò là cây công nghiệp chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo, đồng thời phải đầu tư thâm canh, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn gắn với đeo đuổi, quyết liệt thu hút nhà máy chế biến công nghệ cao, có tầm cỡ để nâng tầm thương hiệu chè Thanh Chương, đưa cây chè phát triển xứng tầm. 

Bên cạnh cây chè, cần phát huy lợi thế đa dạng về thổ nhưỡng, tiếp tục mở rộng diện tích gắn với nâng cao chất lượng, sản lượng, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các cây ăn quả, cây đặc sản đã “bén thương hiệu” trên đồng đất Thanh Chương như: cam, bưởi diễn, trám đen, thanh long ruột đỏ… trở thành vùng cây ăn quả trù phú của tỉnh.  

Khai thác hiệu quả lợi thế diện tích đất rừng để phát triển mạnh lâm nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chú trọng khai thác nguồn lợi dưới tán rừng nhất là dược liệu; tập trung phát triển rừng trồng được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn quản lý rừng quốc tế, đưa Thanh Chương trở thành một trong những trung tâm cung cấp nguyên liệu, sản xuất, chế biến lâm nghiệp công nghệ cao bền vững của tỉnh. 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại, nhất là tiếp tục duy trì vị thế tốp đầu của tỉnh về đàn gia súc, gia cầm gắn với thực hiện tốt an toàn sinh học trong điều kiện thường xuyên xảy ra dịch bệnh như hiện nay; tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương.

Như Sỹ