Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp luôn được tỉnh Thái Bình quan tâm, coi đó là đòn bẩy tạo bước đột phá góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời tạo ra được nông sản có năng suất, chất lượng tốt, tươi sạch an toàn, người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận được sản phẩm tốt, sản phẩm sạch với giá cả tốt hơn.

Trong Kế hoạch số 53/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh Thái Bình ban hành xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

{keywords}
Khoa học công nghệ được coi là đòn bẩy để ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình phát triển. 

Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai 11 dự án thuộc chương trình nông thôn và miền núi và 208 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, 12 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực có số dự án và nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai nhiều nhất.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, việc chuyển giao khoa học công nghệ đến với người nông dân được thực hiện qua các mô hình trình diễn để nhân rộng, phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo.

Điển hình là mô hình trồng hoa ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet để quản lý tưới cho 3.500 chậu hoa dạ yến thảo rủ và cúc mâm xôi được trồng trong nhà lưới, có mái che nilon ở TP Thái Bình. Thông qua bộ cảm biến, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... liên tục được cập nhật, từ đó phản ánh tới điện thoại thông minh để phân tích, xử lý số liệu, tự động điều chỉnh lượng nước tưới.

Ở mảng trồng trọt, mô hình ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy từ 16 máy ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm máy cấy, góp phần giải quyết bài toán thiếu lao động ở nông thôn. 

Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao và dự kiến đưa vào sản xuất như: Giống lúa DT80, Đài Thơm 8, các giống cây rau màu mới…

Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm đã xây dựng mô hình xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng, nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực trong ao đất, nuôi tôm sú bán thâm canh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi cá trắm đen trong ao đất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Năm 2019 đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen Mylopharyngodon piceus (Richardson, 1846) tại Thái Bình” đạt giải ba hội thi sáng tạo khoa học công nghệ kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII - năm 2019.

Với lĩnh vực chăn nuôi, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng Vietgap nhằm khôi phục giống gà quý hiếm của vùng đất An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ.

Qua đánh giá kết quả bước đầu, với phương pháp thụ tinh nhân tạo đã cho đàn gà Tò có tỷ lệ gà đẻ đạt khoảng 40%, tăng khoảng 10% so với phương pháp để tự nhiên; tỷ lệ trứng đạt tiêu chuẩn vào ấp đạt khoảng 96%, tăng khoảng 5%; ấp nở tăng 9,51%; gà con loại 1 đạt 5,15%. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình nhằm chọn, tạo ra giống gà Tò đạt gần với mức gà Tò nguyên chủng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện mô hình khuyến nông “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt thương phẩm giống cao sản SHST53 an toàn sinh học theo chuỗi liên kết” với quy mô 10.800 con. Quy trình nuôi áp dụng công nghệ khoa học, đảm bảo an toàn sinh học. Bước đầu, mô hình này thu được nhiều kết quả khả quan, mở ra hướng chăn nuôi mới cho người nông dân.

Minh Phúc