Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 2,5%/năm. Trong đó, trồng trọt tăng 1,5%/năm, chăn nuôi tăng 1,6%/năm, thủy sản tăng 7,1%/năm. 

Năm 2020, toàn tỉnh có 479 cánh đồng lớn, với diện tích 13.998 ha; tăng 302 cánh đồng, 3.452 ha so với năm 2015. Cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. 

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn tỉnh đã có 828 trang trại chăn nuôi và trên 7.200 gia trại…. Ngành chăn nuôi Thái Bình đã và đang tập trung tái cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ đàn lợn có năng suất, chất lượng; đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Là tỉnh ven biển nên Thái Bình phát triển toàn diện cả khai thác và nuôi trồng thủy sản với tổng sản lượng 257.000 tấn, tăng 40% so với năm 2015. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh Thái Bình có 4.256 ha rừng; tăng 896 ha so với năm 2015, tạo vành đai rừng khá vững chắc bảo vệ hệ thống đê biển và cộng đồng dân cư ven biển.

Thái Bình đặt mục tiêu, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, sinh thái. Sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường gắn với du lịch. Nâng cao giá trị gia tăng. Tăng chất lượng, năng suất sản phẩm, có sức cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước và nước ngoài…

Chương trình khuyến nông tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025 nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững cả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng kết hợp chặt chẽ sản xuất với bảo quản, sơ chế, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

{keywords}
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất. Ảnh: VietNamNet. 

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, chương trình khuyến nông sẽ thực hiện 03 nội dung: bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn; thông tin, tuyên truyền; xây dựng và nhân rộng các mô hình. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao của địa phương ở cả ba lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Năm 2021, công tác tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục được tỉnh Thái Bình chú trọng. Kết quả thực hiện cho thấy giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, ước đạt 2,5%/ năm, đạt mục tiêu đề ra.

Tại cuộc họp UBND tỉnh vào tháng 6/2021, đại diện lãnh đạo UBND các huyện và một số sở, ban, ngành đã đề ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian tới như: Vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thêm thương hiệu gạo, phấn đấu có 1 đến 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp,…

Trước đó, tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi phát triển nông nghiệp bền vững; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn. Tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho nông sản Thái Bình cũng như mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.

Để đạt những mục tiêu này, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa không đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất, năng suất thấp và diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tiêu thụ nông sản của tỉnh. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hỗ trợ nông dân hướng dẫn sản xuất, hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

Tổ chức liên kết trong sản xuất, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP)...

Minh Phúc