Thái Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã và đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô, trình độ và hiệu quả cao.

Thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ hợp lý, phát triển sản xuất hàng hóa; tổ chức chặt chẽ công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn nông lâm, thủy sản. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết, tích cực xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

{keywords}
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch. 

Đồng thời, tỉnh xây dựng các kênh hợp tác, tiêu thụ sản phẩm như: Thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội Nông nghiệp sạch, liên kết với các địa phương khác tổ chức hội chợ kết nối nông sản. Hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện sản xuất và hồ sơ cần thiết để tham gia xuất khẩu chính ngạch…

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và những biến động của thị trường đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh sản xuất. Một trong những giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của ngành nông nghiệp cũng như ngành công thương tỉnh Thái Bình trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đây không chỉ là kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả trong mùa dịch, mà còn giúp hàng triệu hộ nông dân mở rộng tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước.

Sáng 15/10, Sở Công Thương Thái Bình tổ chức hội nghị tập huấn hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến, giới thiệu về chính sách hỗ trợ, phát triển thương mại điện tử của tỉnh; những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử như: Xu hướng kinh doanh trực tuyến. Thế mạnh của các trang website, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội trong hoạt động kinh doanh hàng hóa. Một số kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử hiệu quả như lập tài khoản, phân tích sản phẩm, thị trường, đối thủ, cơ cấu giá, chụp ảnh, làm video, marketing trong và ngoài sàn, chuyển hàng, quản lý dòng tiền, chăm sóc khách hàng và bảo hộ thương hiệụ...

Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nắm bắt xu hướng thương mại mới để phát triển ổn định, gia tăng hiệu quả đầu tư, góp phần sớm phục hồi kinh tế, duy trì đà phát triển, thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Minh Phúc