Thái Bình đặt mục tiêu, trong những năm tới đây với tầm nhìn sâu, rộng, Thái Bình sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Trong đó, thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xây dựng lộ trình thực hiện Luật Giáo dục.

Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục gắn với đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, phát huy tính sáng tạo và ý thức tự chủ của cá nhân người học; xây dựng văn hoá học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và thể chất cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ giáo viên có cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo chuẩn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đa dụng hoá các loại hình đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời.

Tỉnh sẽ thực hiện tốt hơn phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghề, đầu tư thích đáng cho đào tạo nhân lực chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

{keywords}
Cán bộ quản trị mạng tại Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC của tỉnh.

Cùng với đó, Tỉnh ủy cũng sẽ chú trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Chú trọng chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và phát triển con người, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ năng lượng mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số của tỉnh.

Tăng cường đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân. Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực trọng điểm của tỉnh. Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển các tổ chức, doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn những sản phẩm, công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người, môi trường, an ninh, quốc phòng.

Hằng Nga