Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố, tạm giam, đưa ra xét xử nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Youtube, viết đơn thư nặc danh…để tuyên truyền, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo.

Theo cơ quan chức năng, hiện có tới 3.000 tài khoản mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo…), trên 500 kênh thông tin, hơn 100 hội, nhóm phản động cực đoan mỗi ngày đăng tải hàng nghìn bài viết, video clip, bình luận mang nội dung chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, Chính phủ và công tác giám sát của Quốc hội.

{keywords}
Cần phải triển khai một cách quyết liệt việc dọn dẹp các thông tin xấu độc trên không gian mạng. 

Chia sẻ về hành vi đăng thông tin xấu độc trên không gian mạng, Trung tá Đào Trung Hiếu (Thạc sĩ, chuyên gia nghiên cứu tội phạm, Bộ Công an) cho biết,  các đối tượng xấu thường  sản xuất ra những clip, đưa ra những thông tin thất thiệt “bảy phần hư, ba phần thực” khiến người dân không cảnh giác trước những thông tin giả được cài cấy.

Động cơ của các đối tượng này thường xuất phát từ những đối tượng cơ hội chính trị, thù địch với chế độ, mặt khác họ còn nhằm mục tiêu là kiếm tiền.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng không phải ai cũng đủ bộ lọc thông tin, nên bị dẫn dụ.  Vì thế hậu quả của việc đưa những thông tin thất thiệt làm xói mòn lòng tin.

Về giải pháp, trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, cần tăng cường truyền thông với người dân, cảnh giác với những thông tin nhiễu loạn trên không gian mạng. Công an, ngành truyền thông, văn hoá thường xuyên phải tiến hành kiểm tra nội dung đưa trên không gian mạng. Đồng thời phát hiện các đối tượng có hành vi liên tục phát tán thông tin phản động, để có biện pháp đấu tranh; Kiến nghị nhà mạng khoá các tài khoản; Xử lý theo quy định pháp luật đối với những đối tượng có hành vi sai phạm.

Vấn đề quan trọng nhất là cần phải triển khai một cách quyết liệt việc dọn dẹp các thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Một trong các biện pháp được Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) nêu ra, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cơ bản như Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng... Tuyệt đối không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, về những giải pháp xử lý, ngăn chặn thông tin có nội dung bôi nhọ, xúc phạm cá nhân trên mạng Internet.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, bộ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc và một số người.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài phối hợp thực hiện các yêu cầu hợp tác xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Lê Thuý