Ngày 30/9, tại Sơn La, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TBMNPB với sự tham gia của 14 tỉnh toàn vùng

Theo báo cáo kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) đến năm 2020 và mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN-PTNT, cơ cấu cây trồng tại khu vực này được chuyển dịch, phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm, lâu năm, cây dược liệu,... cho giá trị kinh tế cao hơn.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 50,4% lên 53,5% năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng 1,73 lần, đáp ứng khoảng 75-80% nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Tương tự, ngành chăn nuôi mặc dù gặp nhiều khó khăn song vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, như tổng đàn trâu đạt 1,33 triệu con (chiếm 55,7% cả nước); đàn bò 1,08 triệu con (chiếm 17,8% cả nước); đàn lợn khoảng 5,1 triệu con; đàn gia cầm đạt 120 triệu con.

{keywords}
Sau 4 năm tái cơ cấu nông nghiệp, Sơn La đã xây dựng được vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, đứng thứ 2 cả nước. Các chuỗi sản xuất được hình thành đem lại thu nhập cao cho người nông dân

Đáng chú ý, phương thức chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang công nghiệp, bán công nghiệp quy mô lớn; chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh và bền vững. Còn nuôi trồng thủy sản ở khu vực này tăng trưởng cao nhất cả nước.

Bên cạnh đó, các tỉnh khu vực này luôn quan tâm phát triển công nghiệp chế biến theo hướng chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao. Tại vùng đã đầu tư và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến lớn, như nhà máy chế biến rau quả, chè, sữa, gỗ và lâm sản, tinh bột sắn,...

Nói tới điển hình tái cơ cấu thành công, đặc biệt là trong chuyển đổi cây trồng,  Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định, Sơn La là tỉnh thực hiện tái cơ cấu rất hiệu quả, ông gọi đây là "hiện tượng Sơn La".  Bởi, chỉ sau vài năm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, Sơn La đã trở thành tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước, đạt 75.000ha.

Bộ trưởng Cường cho biết, Sơn La từ một tỉnh đi bán sắn, bán ngô nhưng chỉ sau mấy năm đã trở thành trung tâm chế biến, sản xuất rau quả lớn nhất Tây Bắc. Theo ông, với đà phát triển này thì một thời gian ngắn nữa, Sơn La có thể xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm, trở thành tỉnh giàu có, nông dân giàu có.

Riêng về vấn đề mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ ngay về cách làm của tỉnh Sơn La.

"Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã đến nhờ tôi mời gọi hộ mấy tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh, bởi đồng chí Bí thư nói mấy ông đó lớn, khó mời lắm. Bí thư tâm huyết, tha thiết mời gọi như thế, doanh nghiệp từ chối sao được. Tôi đã giới thiệu ngay để đồng chí Bí thư gặp doanh nghiệp và mời gọi đầu tư vào tỉnh", Bộ trưởng kể lại.

{keywords}
Tại tỉnh Sơn La còn có nhiều nhà máy chế biến nông sản, giúp tiêu thụ hàng hóa ngay tại chỗ cho người nông dân, tránh cảnh được mùa mất giá

Theo Bộ trưởng, nếu ở góc độ địa phương trong tái cơ cấu nông nghiệp có "hiện tượng Sơn La", thì ở góc độ doanh nghiệp có "hiện tượng Đồng Giao". Bởi, hiếm có doanh nghiệp nào mỗi năm xây dựng được một nhà máy chế biến nông sản. Ông mong từ hiện tượng Sơn La, hiện tượng Đồng Giao sẽ trở thành hiện tượng cho cả 14 tỉnh toàn vùng TDMNPB.

Chia sẻ về cách làm của tỉnh trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La Hoàng Văn Chất thừa nhận, tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp hình thành lên nhiều HTX nông nghiệp, người dân giờ đã ý thức được việc, nếu không tham gia vào HTX, thì sẽ không bán được sản phẩm, nên chỉ trong thời gian ngắn Sơn La đã có thêm 460 HTX nông nghiệp kiểu mẫu.

Ông Chất cho biết, trong nhiệm kỳ trước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có chủ trương mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản ở Sơn La. 

"Chúng tôi đã có 2 tập đoàn lớn là TH và Doveco đầu tư chế biến nông sản và với công suất chế biến của 2 nhà máy nhà máy này, sẽ đảm bảo tiêu thụ bền vững 500.000 tấn nguyên liệu sản phẩm của Sơn La và ới tiềm năng như của tỉnh nhà, chỉ trong thời gian ngắn nữa, Sơn La sẽ có 1 triệu tấn trái cây mỗi năm", ông Chất nói.

Trước lo ngại về các nhà máy chế biến rau quả đạt tại Sơn La không đủ nguyên liệu sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khán cam kết, tỉnh này sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy. 

"Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị bàn về phát triển vùng nguyên liệu trái cây và sẽ mời các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các huyện của Sơn La cũng như các tỉnh khác dự. Tôi cũng mời doanh nghiệp cùng dự để cam kết thực hiện cho bằng được việc này", ông Khánh khẳng định.

Hải Băng