Nông dân thu tiền tỷ từ cây con đặc sản

Những ngày cuối tháng 9, vừa tất bật chăm đàn gà lên tới vả vạn con trên đồi, anh Nguyễn Hữu Quý ở thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết, anh chuẩn bị vào thêm lứa gà mới để kịp bán dịp Tết Nguyên đán này.

Chỉ về trang trại gà rộng tới 4ha của mình, anh Quý chia sẻ, gà nuôi ở vườn đồi cách xa khu dân cư nên kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, cũng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, trang trại có không gian rộng, anh áp dụng nuôi bán tự nhiên, gà được chạy nhảy ngoài vườn đồi cho thịt chắc, thơm ngon, hợp với nhu cầu thị trường.

"Tôi áp dụng nuôi theo kiểu gối đầu, mỗi năm xuất bán khoảng 33.000-36.000 con gà, tương đương 85-90 tấn thịt. Với giá bình quân khoảng trên 50.000 đồng/kg, thời điểm cuối năm có thể cao hơn, bình quân gia đình tôi thu 5 tỷ đồng/năm nhờ nuôi gà, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 1,7-2 tỷ đồng", anh Quý khoe.

{keywords}
Từ cách nuôi truyền thống chuyển sang chăn nuôi sạch theo tín hiệu thị trường, người nông dân Yên Thế thu tiền tỷ từ đặc sản gà đồi

Không nuôi gà, mà chuyên tâm trồng cây bưởi đặc sản ở khu vườn nhà mình, ông Nguyễn Văn Hữu ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) hiện trở thành tỷ phú, là một trong những nông dân sở hữu vườn bưởi lớn nhất vùng.

Ông Hữu kể, trước đây toàn bộ vườn bưởi này đều là đất trồng vải thiều, nhưng trồng theo cách truyền thống năng suất không cao, kéo theo thu nhập rất thấp. Cách đây 5 năm, ông mạnh dạn chặt 10ha vải thiều, chuyển đổi sang trồng bưởi theo quy hoạch của huyện.

“Lúc mới đầu nhiều người can ngăn nhưng để vải thiều bán ra quá rẻ, cũng không thu được bao nhiêu tiền. Chuyển sang cây bưởi còn có cơ hội làm giàu”. Ông Hữu cho biết, vườn bưởi 10ha này của ông trồng rất nhiều loại bưởi đặc sản theo mô hình VietGAP để sản phẩm đạt chất lượng đúng theo thị hiếu của thị trường.

Ba năm nay, vườn cho trái nhiều, mỗi năm cho thu khoảng 200 tấn bưởi. Vào mùa thu hoạch, xe tải của các đầu mối đến tận vườn bốc bưởi lên xe tải chở đi, ông không phải đem ra chợ bán.

“Thú thật hỏi thu được bao nhiêu quả bưởi mỗi năm tôi chịu không trả lời được. Còn nói lãi bao nhiêu thì tôi biết. Vườn bưởi này sau khi trừ hết chi phí, tôi đút túi được gần 2 tỷ đồng tiền lãi”, ông khoe.

Trong khi đó, ở thủ phủ vải thiều Lục Ngạn, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lại làm hàng đạt tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Lân ở thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn) tiết lộ, năm nay vải thiều nhà ông được mùa, sản lượng đạt trên 40 tấn, cao hơn vụ vải năm ngoái khoảng 8 tấn. Toàn bộ vải thiều được doanh nghiệp đến tận vườn thu mua, vợ chồng ông không phải vất vả chở từng sọt ra chợ bán như trước đó.

Nhà ông giờ chuyên làm vải thiều sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh nghiệp đăng ký bao tiêu vải từ lúc quả còn xanh. Chưa kể, vải thiều nhà ông còn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao.

“Vải thiều xuất sang Nhật bán được 30.000 đồng/kg, còn xuất bán trong nước giá thấp hơi một chút. Tính trung bình, vụ này vải bán được giá 27.000 đồng/kg”. Ông Lân khoe, 3ha vải vườn nhà ông cho thu khoảng 1,1 tỷ đồng, trừ chi phí chăm bón, thuê người bẻ vải,... ông thu lãi hơn 900 triệu đồng.

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, nông nghiệp Bắc Giang hiện nay đã hình thành lên các sản phẩm chủ lực, có vùng chuyên canh lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, điển hình như: Vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch... 

{keywords}
Bắc Giang hình thành những vùng chuyên canh đặc sản lớn, cho thu hàng chục tỷ đồng

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 31.527 tỷ đồng, bằng 115,5% so với năm 2016 (năm 2016 đạt 27.298 tỷ đồng). Đáng chú ý, nông sản của người nông dân Bắc Giang có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm làm ra xuất bán được vào các hệ thống siêu thị lớn, xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc. Nhờ đó tránh được tình trạng được mùa mất giá.

Như vụ vải thiều vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xong với quyết tâm của người nông dân, của lãnh đạo tỉnh, huyện, Bắc Giang đã có vụ mùa bội thu, vải xuất khẩu được sang Nhật Bản và các thị trường khác. Doanh thu vải đạt khoảng 6.830 tỷ đồng, cao hơn vụ vải năm trước 830 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải thiều khoảng 5.140 tỷ, còn lại là thu từ dịch vụ phụ trợ như thùng xốp, đá cây,... 

Hướng tới làm nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp trong 5 năm qua, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang DươngThanh Tùng cho biết,ngay từ đầu lãnh đạo tỉnh đã xác định, tái cơ cấu không phải là làm trên giấy mà lãnh đạo, người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học phải sát cánh bên nhau cùng làm và làm quyết liệt. Bởi, mục đích cuối cùng của chúng ta là làm sao để cho thu nhập của người dân tăng lên, nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Trên thực tế, khi nhắc tới làm giàu từ nông nghiệp Bắc Giang, người ta không thể không nhắc tới vùng cây ăn quả ở huyện Lục Ngạn, với diện tích và sản lượng lớn: vải thiều 15.290ha, cây có múi 6.740ha; còn lại là ổi, táo và những cây trồng khác. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn, riêng vải thiều đạt từ 80.000-120.000 tấn. 

Đặc biệt, năm 2020 là năm đầu tiên vải thiều được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản. Vì vậy, giá trị mang lại từ cây ăn quả rất lớn, góp phần giảm nghèo nhanh, số hộ có thu nhập tiền tỷ liên tục tăng.

Theo ông, tỉnh Bắc Giang đạt được những kết quả trên là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. có chính sách đầu tư, có cơ chế phù hợp, phát huy lợi thế, thế mạnh từng địa phương, mới đem lại hiệu quả. Đặc biệt, trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khó lường, chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững tại địa bàn tỉnh chính là khoa học công nghệ, bằng giống, quy trình chăm sóc, bằng quy trình sản xuất, từ đó tăng giá trị, tăng thu nhập…

Thời gian tới, ông Tùng cho biết tỉnh Bắc Giang tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao kỹ thuật, quản lý sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Đồng thời, chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; 

Chọn hướng đầu tư nông nghiệp theo công nghệ cao, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, lựa chọn, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, ông Tùng cho hay.

Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp công nghệ cao (trồng trọt 332 mô hình, chăn nuôi 200 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 24 mô hình), có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Khổng Minh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Dũng (Bắc Giang), ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chất lượng các sản phẩm vượt trội, năng suất ổn định, giá trị tăng so với sản xuất đại trà 5-7 lần. Các mô hình đều sử dụng giống mới; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. 

Mô hình trồng dưa lưới, dưa lê của HTX rau sạch Yên Dũng sản xuất 3 vụ/năm, năng suất trung bình 23-25 tấn/ha/vụ, doanh thu 920-1.000 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 400-500 triệu đồng/ha/vụ, ông chia sẻ.

Hải Băng