Singapore được biết đến là một hòn đảo nhỏ khu vực Đông Nam Á, diện tích chỉ vẻn vẹn trên 700km2 với dân số gần 6 triệu người. Nguồn nguyên liệu tự nhiên rất hạn chế, hầu như phải nhập từ nước ngoài.

Tuy nhiên, sau 30 năm công nghiệp hóa thành công, tính đến năm 2019, nền kinh tế đất nước này đã xếp thứ 34 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 101.376 USD, đứng thứ 2 thế giới.

Điều gì khiến quốc đảo nhỏ này đạt những thành tựu thần kỳ về kinh tế như vậy? Có chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân là nhờ Singapore phát triển chính sách sáng tạo, đầu tư chú trọng đúng đắn cho phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó tập trung các chính sách đặc thù có sáng tạo, giúp người dân luôn tiếp cận được sự lựa chọn phù hợp, dễ dàng trên con đường nghề nghiệp theo các giai đoạn, lứa tuổi khác nhau. Từ đó tạo được một lực lượng lao động có kỹ năng, năng lực hành nghề đồng bộ, đồng đều trong độ tuổi lao động khác nhau, có sự kết nối giữa các trình độ và thế hệ dựa vào kỹ năng.

Trong số các chính sách đặc thù phát triển kỹ năng của Singapore phải kể đến Chương trình SkillsFuture (Kỹ năng tương lai) được triển khai từ năm 2015.

{keywords}
Đầu tư chú trọng đúng đắn cho phát triển nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân làm nên sự thần kỳ của Singapore. Ảnh minh họa

Hệ thống đào tạo với nhiều trình độ

Thông qua SkillsFuture, Chính phủ Singapore đã thiết lập hệ thống đào tạo với nhiều trình độ khác nhau nhắm tới các nhóm xã hội khác nhau để đáp ứng nhu cầu nâng cao, bổ sung kỹ năng thiếu hụt cho người lao động, giúp họ tìm việc làm, chuyển đổi, thăng tiến nghề nghiệp, đặc biệt là hình thành văn hóa học tập suốt đời.

Chương trình bao gồm một số sáng kiến – cấu phần cốt lõi (chẳng hạn như: Gói tín dụng SkillsFuture, chuyển đổi nghề nghiệp,…), dành cho nhiều đối tượng trong đó tập trung vào sinh viên, người trưởng thành, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo.

Nhìn chung SkillsFuture liên quan tới một loạt các công cụ chính sách với phạm vi đối tượng thụ hưởng nhiều hơn, trong thời gian lâu hơn, hỗ trợ một cách tốt nhất các nguồn lực để sinh viên, người lao động đạt được mức độ thành thạo của kỹ năng nghề nghiệp. 

Công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên đều có cơ hội tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng SkillsFuture của Chính phủ với mức hỗ trợ 500 đô la Singapore trở lên để tham gia đào tạo phát triển kỹ năng. Tính đến cuối năm 2017, tổng số công dân Singapore được hỗ trợ từ gói tín dụng là 285.000 người, tương ứng với 18.000 khóa đào tạo kỹ năng được triển khai.

SkillsFuture đã thiết lập hệ thống đào tạo đa cấp độ với hàng chục sáng kiến và chương trình khác nhau nhắm tới nhu cầu về phát triển kỹ năng ở các nhóm đối tượng khác nhau như sinh viên, người lao động ở các giai đoạn khác nhau của nghề nghiệp.

Chương trình đã đầu tư, hợp tác với các ngành công nghiệp khác nhau để mở rộng đối tác doanh nghiệp tư nhân, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và người sử dụng lao động cùng tham gia phát triển kỹ năng cho người lao động.

The báo cáo ngân sách năm 2018, Chính phủ Singapore đã dành khoản đầu tư 220 triệu đô la để triển khai những kế hoạch, chính sách và chiến lược phát triển kỹ năng thông qua chương trình này.

Bốn mục tiêu của SkillsFuture

Thứ nhất, hỗ trợ công dân Singapore có được những lựa chọn đúng đắn về giáo dục, đào tạo và nghề nghiệp.

Chính phủ Singapore thiết lập hệ thống tư vấn, hướng nghiệp hoàn thiện được triển khai ở tất cả cấp học phổ thông đến cơ sở đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học và tiếp diễn trong suốt quá trình nghề nghiệp của mỗi người dân.

Thông qua các chương trình hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ, các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo, người dân Singapore tiếp cận được một cách đầy đủ thông tin về các ngành nghề, ngành công nghiệp liên quan từ rất sớm. Họ cũng được tiếp cận những thông tin thực tế về việc làm và những thay đổi nhu cầu của thị trường lao động.  

Thứ 2, phát triển hệ thống giáo dục đào tạo tích hợp, chất lượng cao đáp ứng những thay đổi liên tục của thị trường lao động.

Nền giáo dục và đào tạo Singapore được đánh giá, tổng kết thường xuyên và theo định kỳ để đảm bảo hệ thống này luôn được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực chuyên môn thường xuyên của người dân, đáp ứng nhu cầu về phát triển chuyên sâu.

Thứ 3, thúc đẩy người sử dụng lao động về việc công nhận và phát triển nghề nghiệp dựa vào kỹ năng và kỹ xảo. Người sử dụng lao động được tham gia vào quá trình thiết kế và triển khai một khung để người lao động có thể thăng tiến trong nghề nghiệp thông qua việc phát triển kỹ năng.

Thứ 4, nuôi dưỡng văn hóa để hỗ trợ và tôn vinh việc học tập suốt đời. Đây là quá trình lâu dài nhằm tôn vinh, coi trọng những kỹ năng, giá trị của thành quả lao động mà lao động có kỹ năng tạo ra trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời đề cao văn hóa học tập suốt đời để đáp ứng yêu cầu của công việc, sự đam mê và phát triển nghề nghiệp mỗi cá nhân.

Minh Vy