Trao đổi về năng lực xét nghiệm hiện nay của Bắc Ninh, TS. Phạm Hồng Thắng, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, thành viên Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 3 phòng xét nghiệm khẳng định.

{keywords}
Ngay khi Bắc Ninh xuất hiện những điểm dịch COVID-19, tỉnh đã kích hoạt đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, có việc thần tốc truy vết, xét nghiệm các đối tượng liên quan để kịp thời có biện pháp ứng phó. 

Cụ thể, một phòng khẳng định SARS-CoV-2 thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh có công suất 4.000 – 5.000 ống mẫu/ngày, đây là đơn vị đầu mối về xét nghiệm SARS-CoV-2 của tỉnh; phòng xét nghiệm khẳng định của Bệnh viện Quân Y 110 với công suất 3.000 ống mẫu/ngày và phòng xét nghiệm khẳng định thuộc phòng khám Hoàn Mỹ công suất 3.000 ống mẫu/ngày.

Bên cạnh đó, còn có một số phòng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 có vai trò xét nghiệm sàng lọc mẫu, nếu âm tính sẽ thông báo trả kết quả, nếu phát hiện mẫu nghi ngờ dương tính phải chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm khẳng định của tỉnh. Tổng công suất xét nghiệm của tỉnh Bắc Ninh hiện đạt 11.000 ống mẫu/ngày. Nếu làm gộp mẫu theo quy định của Bộ Y tế, công suất tối đa đạt khoảng 110.000 mẫu/ngày. Với tình hình dịch như hiện nay, các phòng xét nghiệm đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm cho tỉnh.

Theo đó, ngay khi về tăng cường cho tỉnh Bắc Ninh, các chuyên gia trong đoàn công tác của Bộ Y tế đã đánh giá nhu cầu và năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 của địa phương để phát hiện vấn đề cần tháo gỡ, sẽ trực tiếp tư vấn hỗ trợ hoặc kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh lực để tư vấn, hỗ trợ các hoạt động xét nghiệm, lấy mẫu, bảo đảm an toàn sinh học.

Các chuyên gia cũng lên phương án, nếu vượt quá khả năng, Bộ phận thường trực sẽ huy động thêm các đơn vị khác hỗ trợ cho công tác xét nghiệm tại đây.

Việc lấy mẫu xét nghiệm tại các địa bàn có dịch bệnh diễn biến phức tạp theo phương án: Khu vực chưa có ca mắc lấy mẫu gộp, mỗi hộ 1 người; khu vực có ca mắc nhưng chưa qua 14 ngày không có ca mắc mới thì lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình. Đồng thời, thực hiện theo khung thời gian khác nhau: Khu vực chưa qua 14 ngày không có ca mắc mới; khu vực có ca mắc trong khoảng thời gian từ 8-14 ngày và khu vực có ca mắc trong 7 ngày... 

Theo TS Phạm Hồng Thắng, chu kỳ nhân lên của virus SARS- CoV-2, nhất là đối với biến chủng Delta (xuất phát từ Ấn Độ) lưu hành nhân lên rất nhanh, chỉ khoảng 3 ngày; tương đương với các chu kỳ nhân lên và lây nhiễm trong quần thể dân có người nhiễm. Vì vậy việc triển khai xét nghiệm được thực hiện phù hợp với chu kỳ nhân lên đó. Dựa vào thông tin trên, các chuyên gia đã đưa ra chiến lược xét nghiệm SARS-CoV-2 áp dụng ở Bắc Ninh phù hơp với từng nhóm cộng đồng nguy cơ khác nhau.

Cụ thể, các thôn có ca mắc (ca F0) trong vòng 7 ngày được coi là có nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm 3 đợt vào các ngày 1, 4, 7; lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình để kịp thời phát hiện những ca mới đưa đi điều trị, thực hiện truy vết những người tiếp xúc gần F1, F2 cách ly theo quy định, các địa phương này đồng thời vẫn triển khai các biện pháp can thiệp như phong toả và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các địa điểm có nguy cơ thấp hơn như các thôn, xã có ca mắc trong 8- 14 ngày xét nghiệm 2 đợt vào các ngày 1, 7; các thôn trong 14 ngày không có ca mắc xét nghiệm 1 đợt, hình thức lấy mẫu xét nghiệm như trên.

Với những địa bàn thôn, xã chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, do đặc thù của COVID-19 là có tới 80% người nhiễm không có triệu chứng nên cần phải triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhưng chỉ lấy mẫu đại diện 1 người trong hộ gia đình để làm xét nghiệm.

Các chuyên gia cũng chú ý, khi thực thiện lấy mẫu xét nghiệm, các thôn xã tùy theo khu vực vẫn phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, khoanh vùng, giãn cách xã hội theo khuyến cáo của ngành y tế.

Thúy Nga, Ngọc Dũng