Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhâp khẩu, Bộ Công Thương, thông tin: tất cả thành viên RCEP đều đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số FTA khác.

Tuy nhiên, Hiệp định RCEP lại mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị phổ biến RCEP do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) vừa tổ chức hôm 24/3.

Cụ thể, với hàng dệt may, trong khi các hiệp định thương mại tự do trước đó giữa Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn. Nghĩa là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan.

{keywords}
Ngành dệt may thích ứng linh hoạt trong việc phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất


Với Hiệp định RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản. Tương tự, với hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Về lợi ích tổng thể, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước những kịch bản trái chiều về hợp tác thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh đó, Hiệp định RCEP được ký kết cho thấy các quốc gia thành viên đều hướng tới cam kết tự do hóa sâu rộng hơn về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hướng tới mục tiêu hợp tác để phát triển công bằng hơn.

Thanh Hùng