Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh

Dịch bệnh Cúm gia cầm thường diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm và trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng nhân dân. Theo thông tin từ Bộ NN& PTNT từ cuối năm 2020 đến nay đã xuất hiện hơn 10 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 và A/H5N1 tại 7 tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm buộc tiêu hủy trên 11.000 con.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, theo báo cáo của Sở NN& PTNT, đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N6  đã xảy ra tại 10 xã, phường thuộc 6 huyện, thành phố (Bình Sơn, Sơn Hà, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi) làm chết và tiêu hủy hơn 25.500 con.

{keywords}
Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm. Ảnh minh họa: Ngọc Dũng

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm và các bệnh nguy hiểm khác ở gia súc, Chủ tich UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các UBND xã, phường, thị trấn, các phòng, ban chức năng tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định, trong đó trọng tâm là các xã có ổ dịch cúm gia cầm trong năm 2020, tập trung nguồn lực để kiểm soát, không để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ 80% tổng đàn có nguy cơ.

Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng; khi phát hiện ổ dịch phải thực hiện các biện pháp cách ly, khoanh vùng ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý; phân công cụ thể người trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 

Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm

Tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động xử lý khi có dịch xảy ra, không để lây lan ra diện rộng; chủ động sử dụng kinh phí dự phòng ở địa phương để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Khẩn trương tổ chức thực hiện công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường đối với chuồng trại chăn nuôi gia cầm, tụ điểm tập kết gia cầm, các khu vực giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Sở NN& PTNT theo dõi, cập nhật, báo cáo nhanh diễn biến tình hình dịch bệnh gia cầm và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để cảnh báo, xử lý, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh dương tính với vi rút cúm gia cầm.

Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các Trạm kiểm dịch; phối hợp cùng lực lượng Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh ngăn chặn các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tổ chức khoanh vùng khống chế và thực hiện các biện pháp dập dịch, không để bùng phát, lây lan diện rộng.

Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng, đơn vị có liên quan, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn. Kịp thời ngăn chặn các trường hợp vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh,...

Huy Linh - Ảnh: Ngọc Dũng