UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp CNC; ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2025.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã xây dựng Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn để chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của địa phương; bố trí kinh phí hỗ trợ, khuyến khích việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đang tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực tập trung đầu tư phát triển ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước hình thành thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC ở Quảng Bình.

Thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư phát triển KHCN của tỉnh, các nguồn kinh phí từ chương trình dự án, hàng năm, Hội đồng KHCN ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xét chọn các đơn đặt hàng nhiệm vụ KHCN, sáng kiến kỹ thuật triển khai một số đề tài, dự án trọng điểm về sản xuất giống, thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tiêu biểu gần đây có 01 dự án KHCN cấp Bộ “Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm của quá trình chế biến tinh bột sắn”, 01 đề tài KHCN cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất giá thể hữu cơ trồng rau quả an toàn” và 65 mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ KHCN được đưa vào thực hiện, duy trì có hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 02 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp CNC, có 38 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, HACCP (trong đó 22 cơ sở trồng trọt, 12 cơ sở chăn nuôi và 02 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản), có 27 đơn vị sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp CNC.

Về trồng trọt, trên địa bàn hiện có 18 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC ở các mức độ khác nhau với tổng diện tích khoảng 100 ha. Lĩnh vực sản xuất chủ yếu là sản xuất rau, quả an toàn, trồng cây dược liệu và trồng hoa.

Các CNC được áp dụng là trồng cây trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh… tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số dự án điển hình như Dự án Trồng cây dược liệu; Dự án Trang trại Nông nghiệp CNC; Dự án Nông trại sản xuất thực phẩm sạch; Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao,…

Trong lâm nghiệp có các CNC được ứng dụng là công nghệ nuôi cây mô và tưới tiết kiệm nước…

{keywords}
Một mô hình nuôi heo sạch tại Quảng Bình

Về chăn nuôi, địa phương hiện có 03 cở sở chăn nuôi lớn của các doanh nghiệp có ứng dụng CNC trên nhiều khâu sản xuất.

Đối với thủy sản, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản có áp dụng CNC trong một số công đoạn sản xuất, đặc biệt là các cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất, cho tôm ăn bằng máy cho ăn tự động, quản lý bằng hệ thống camera...

Tuy nhiên, hiện địa phương chưa có các vùng, khu sản xuất nông nghiệp CNC tập trung, cơ sở sản xuất phân tán ở nhiều nơi. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn chậm so với điều kiện sẵn có, chưa tạo sự đột phá.

Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh giá trị còn thấp, chưa có thương hiệu, mẫu mã phù hợp, sức cạnh tranh còn thấp. Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn tự phát, chủ yếu đang triển khai dưới dạng mô hình trình diễn, CNC đưa vào sản xuất chưa đồng bộ nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Nhìn chung, các doanh nghiệp, người sản xuất chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC do nguồn vốn đầu tư lớn. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp CNC với người dân chưa chặt chẽ, thiếu doanh nghiệp làm đầu mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có gói tín dụng nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch nhưng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này còn gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến tháng 6/2020 trên địa bàn toàn tỉnh chưa có doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào được vay vốn theo Quyết định 813/QĐNHNN ngày 24/4/2018 của Ngân hàng Nhà nước.

Để tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất, giai đoạn 2021 - 2025, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN ngành nông, lâm, thủy sản; chú trọng liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, gắn kết với tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao KHCN, nhất là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến nông, lâm, thủy sản;

Song song với đó, đẩy mạnh liên kết đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực, đào tạo nghề cho nông dân, người lao động trong cơ sở nông nghiệp ứng dụng CNC; thực hiện tốt việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.

Mặt khác, địa phương sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đồng thời làm tốt công tác dự tính, dự báo, nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp, đảm bảo tiêu thụ nhanh sản phẩm với giá cả có lợi nhất cho người sản xuất; làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; tổ chức hội chợ, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trong tỉnh và tham gia triển lãm, hội chợ trong khu vực để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Các sở chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để tham gia vào hệ thống siêu thị trong nước và thị trường quốc tế; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước hình thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đặc trưng của địa phương để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Song song với tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về kinh phí, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới, liên kết tiêu thụ nông sản...,

Minh Vy