Hôm 17/5 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khác, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp thực hiện các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Theo Tổng cục Thuế, việc áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế, khai thuế, nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế cũng, hoàn thuế, kiểm tra, thanh tra thuế, quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác.

{keywords}
Tổng cục Thuế khẳng định việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định về thuế. Ảnh minh họa

Đồng thời, Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khác, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp thực hiện các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc đưa cơ chế áp dụng quản lý rủi ro vào quản lý thuế một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Đảm bảo minh bạch trong đánh giá người nộp thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Thông tư này để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ; định kỳ hàng năm có thể thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung chỉ số tiêu chí đảm bảo tính cập nhật, phù hợp thực tế. Đồng thời, ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp, công chức thuế và biện pháp thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro; điểm số, trọng số và biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế; các quy trình, quy chế, quy định, hướng dẫn việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Đơn vị quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối, chủ trì có trách nhiệm quản lý, vận hành ứng dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro theo phân cấp; Tổ chức thực hiện và hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro, các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro và việc áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế; quản lý bộ chỉ số tiêu chí do Tổng cục trưởng ban hành trên hệ thống thông tin quản lý rủi ro và các hệ thống thông tin liên quan; theo dõi, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các chỉ số tiêu chí đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

Tổng cục Thuế khẳng định, việc áp dụng quản lý rủi ro góp phần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Trong đó, thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư này và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Các mức độ phân loại rủi ro

Liên quan đến phân tích rủi ro, phân loại rủi ro để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp, Thông tư hướng dẫn phân tích rủi ro dựa vào việc: đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế. Căn cứ kết quả đánh giá mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro này của người nộp thuế để đánh giá và phân loại mức độ rủi ro tổng thể về người nộp thuế, từ đó, cơ quan Thuế có biện pháp quản lý thuế phù hợp. Cụ thể:

Thứ nhất, nhóm tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế: chủ yếu dựa trên việc phân tích về tính tuân thủ khi kê khai hồ sơ khai thuế, nộp thuế có đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn hay không.

Thứ hai, nhóm tiêu chí phân loại rủi ro người nộp thuế: cơ bản dựa trên việc đánh giá tổng thể các thông tin chung về hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế

Thứ ba, nhóm tiêu chí phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế theo các nghiệp vụ quản lý thuế: là nhóm các tiêu chí được đưa ra phù hợp với từng yêu cầu nghiệp vụ quản lý thuế theo từng địa bàn, từng thời kỳ khác nhau. Theo đó, mức độ tuân thủ pháp luật thuế được quy định gồm 4 mức độ. Mức 1 là tuân thủ cao; Mức 2 là tuân thủ trung bình; Mức 3 là tuân thủ thấp; Mức 4 là không tuân thủ.

Đối với việc phân loại rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp theo 5 hạng, gồm: Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp; Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp; Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình; Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao; Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao.

Riêng đối với “Hạng 6. Người nộp thuế thành lập dưới 12 tháng” quy định tại Thông tư số 204, đã được lược bỏ. Việc phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.

Quy định phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế theo 3 mức, gồm: rủi ro cao; rủi ro trung bình; rủi ro thấp. Quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ được áp dụng đối với từng nghiệp vụ quản lý thuế và sẽ quy định cụ thể các biện pháp quản lý được áp dụng tương ứng với mức độ rủi ro, nhằm hướng tới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, phục vụ hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.

Việc phân tích rủi ro, phân loại rủi ro để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp, Thông tư hướng dẫn phân tích rủi ro dựa vào việc: đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế.

Căn cứ kết quả đánh giá mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro này của người nộp thuế để đánh giá và phân loại mức độ rủi ro tổng thể về người nộp thuế, từ đó, cơ quan thuế có biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/7 và thay thế Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Diệu Linh