Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Xoài, thanh long, vải thiều… cùng hàng nghìn tấn nông sản của người dân nhất là các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được kết nối tiêu thụ qua hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước. Đây là một trong những giải pháp mà cơ quan chức năng thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp theo nghị định Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 53.000 tấn hàng hóa nông sản từ các tỉnh và thành phố, với giá trị đạt 680 tỷ đồng.

{keywords}
Đưa hàng Việt lấp đầy siêu thị 

Qua báo cáo nhanh của Hải Dương và Bắc Giang cho thấy, với sản lượng tiêu thụ niên vụ vải sớm, đã có hơn 60% sản lượng vải được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ VinCommerce cho biết, ngay từ khi vải thiều Lục Ngạn chuẩn bị bước vào thu hoạch, VinMart/VinMart+ đã làm việc, liên kết với các Hợp tác xã, nhà cung cấp tại địa phương để ký kết thu mua vải thiều chứng nhận GlobalGAP đưa vào các điểm bán trên toàn quốc từ 29/5.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết đối với vải thiều Bắc Giang, để đưa trái vải đến khắp ba miền và đảm bảo những điều kiện phòng dịch tốt nhất, năm nay là năm đầu tiên hệ thống siêu thị GO! và Big C tổ chức kích cầu tiêu thụ trái vải trên nền tảng thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Co.opmart), thông tin dù năm nay dịch diễn biến phức tạp nhưng Saigon Co.op đã sớm có phương án phối hợp thu mua, vận chuyển và phân phối trái vải để chủ động hỗ trợ đầu ra cho nông dân cũng như kịp thời phục vụ nhu cầu thưởng thức loại trái cây đặc sản này cho khách hàng cả nước.

Không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác cũng được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Đơn cử như hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ vẫn tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mãi, ưu đãi ở nhiều mặt hàng thiết yếu để tạo điều kiện mua sắm cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung. 

Đặc biệt VinMart và VinMart+ phối hợp với các nhà cung cấp hàng hóa nội địa, để đảm bảo nguồn cung luôn dồi dào, không để xảy ra tình trạng khan hàng. Hàng hóa luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết địa phương đã phối hợp với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch cung cấp danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm nông sản đến các siêu thị, cửa hàng trái cây, tiểu thương kinh doanh tại chợ trên địa bàn Thủ đô để chủ động kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Hà Nội cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa, bán không lợi nhuận, bố trí các khu vực thuận tiện mua sắm, đẩy mạnh đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử…

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao tại thị trường nội địa.

Trước đợt dịch lần thứ 4 xảy ra, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các địa phương để chỉ đạo sở giao thông vận tải, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn xây dựng phương án vận tải hàng hóa thiết yếu; trong đó các mặt hàng nông sản theo từng cấp độ để chủ động ứng phó diễn biến của dịch…

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối, đặc biệt là nhà bán buôn, bán lẻ, tăng cường đẩy mạnh thu mua nông sản của các địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc phát triển hiệu quả hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các tập đoàn phân phối bán buôn bán lẻ còn là kênh xuất khẩu trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trên toàn thế giới.

Do đó, để nâng tầm các mối quan hệ hợp tác sản xuất-kinh doanh, ông Hải mong muốn đại diện lãnh đạo các tập đoàn phân phối, bán lẻ chia sẻ, cung cấp thêm thông tin, yêu cầu cụ thể để các doanh nghiệp Việt Nam có được cái nhìn toàn diện hơn, từ đó có định hướng điều chỉnh phù hợp nhằm sớm đưa được các sản phẩm của mình vào được hệ thống phân phối.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy