Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (TCCNQP) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT), cơ chế hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, sản xuất của TCCNQP với các đơn vị quản lý, sử dụng tàu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

{keywords}
Quy chế phối hợp đảm bảo kỹ thuật cho Lực lượng Cảnh sát biển sẽ giúp Lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.

Nội dung quy chế gồm 3 chương, 16 điều, được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về sản xuất, sửa chữa, BĐKT cho vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của quân đội, mệnh lệnh tác chiến chiến lược bảo vệ biển, đảo của Tổng Tham mưu trưởng, kế hoạch hiệp đồng BĐKT cho các lực lượng tham gia tác chiến.

Trong đó, nội dung phối hợp được ghi trong quy chế gồm các lĩnh vực: Sửa chữa, BĐKT thường xuyên; sửa chữa, BĐKT đột xuất; sửa chữa, BĐKT cơ động; BĐKT trong nhiệm vụ tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặt hàng sản xuất, cung ứng vật tư, trang bị kỹ thuật; đóng mới tàu, xuồng và tiếp nhận tàu, thuyền, phương tiện hỗ trợ cho Lực lượng Cảnh sát biển.

Đánh giá cao việc xây dựng quy chế phối hợp giữa TCCNQP và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Thượng tướng Bế Xuân Trường yêu cầu, thời gian tới, hai bên cần tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng kế hoạch, phương án BĐKT phù hợp với các tình huống sửa chữa thường xuyên, cơ động, đột xuất và thực hiện nhiệm vụ tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo. TCCNQP cần tích cực chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu, nhà máy sản xuất tiếp tục thiết kế, thi công, nâng cao năng lực đóng mới các tàu, xuồng, phương tiện VKTBKT Cảnh sát biển bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện để làm chủ và thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu, nhất là đối với các loại phương tiện, VKTBKT thế hệ mới.

Thanh Bình
Ảnh: Văn Bắc