Nếu như trong các văn kiện Đại hội 11, 12, khái niệm “kinh tế số” chưa được nhắc đến thì ở các dự thảo văn kiện trình Đại hội 13, “kinh tế số”, “phát triển kinh tế số” được nhắc lại rất nhiều lần. Việc phát triển kinh tế số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội 13.

GS Lê Anh Vinh - Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhìn nhận, đây là định hướng đúng đắn. Chúng ta đều thấy hiện nay mọi thứ phát triển như vũ bão. Nếu không bắt kịp, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp trong sự phát triển của thế giới. 

Việt Nam có tiềm lực. Chúng ta có nguồn nhân lực tốt, đặc biệt về mảng khoa học công nghệ. Chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được sự phát triển trong giai đoạn tới nếu đặt trọng tâm, mục tiêu hướng đến sự phát triển kinh tế số.

{keywords}
Việc phát triển kinh tế số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội 13.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa mục tiêu đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta có sự chuẩn bị, rất chủ động trong việc đáp ứng về đổi mới khoa học công nghệ trong thời gian qua. Rất nhiều chính sách đã được đưa ra để thúc đẩy.

Đối với giáo dục, trong 3 năm vừa qua, việc đổi mới sáng tạo trong trường đại học, thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp khởi nguồn từ các trường đại học tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Các dự án của sinh viên đạt được nhiều thành công qua những ngày hội khởi nghiệp ở cấp độ quốc gia.

Nhiều trường đã đưa nội dung về đổi mới sáng tạo về khởi nghiệp vào chương trình học để hỗ trợ sinh viên có sự chuẩn bị tâm thế sau khi ra trường. Đây là định hướng rất tốt.

Bàn về đội ngũ nhân lực công nghệ trình độ cao hiện nay của Việt Nam, theo GS Vinh, sinh viên Việt Nam có năng lực tốt về toán và các môn khoa học. Khi được đào tạo ở các trường về khoa học kỹ thuật, họ đã đáp ứng được khá tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nếu 5 năm trước, chúng ta không có trường nào nằm trong top xếp hạng các trường đại học thế giới, thì gần đây chúng ta đã có 4 trường nằm trong top 1.000 và 11 trường ở trong hệ thống xếp hạng của châu Á.

Đã có sự chuyển biến trong chuẩn bị từ xa, cụ thể là bậc giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai từ năm 2020 đã lần đầu tiên đưa môn công nghệ và tin học vào giảng dạy từ lớp 3. Khi các con lên trung học, việc học tập sẽ được cá nhân hóa, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Với sự chủ động chuẩn bị đó, trong 5 - 10 năm tới, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt khi xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá cho phát triển kinh tế.

Giải pháp thúc đẩy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Để thúc đẩy và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có 3 mô hình. 

Thứ nhất, phát triển nguồn lực tại chỗ như một số nước châu Âu. Họ đầu tư mạnh vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, làm sao phát triển được tốt nhất đội ngũ nhân tài tại bản địa.

Một mô hình khác là Mỹ. Họ có những điều kiện làm việc tốt, cơ hội phát triển tốt và thu hút được những tài năng xuất sắc ở các nơi trên thế giới. 

Một mô hình chúng ta cũng có thể quan tâm, cần học hỏi là Singapore, phát triển nhân tài qua việc đào tạo, bồi dưỡng gọi là "học tập suốt đời".

Quan sát của tôi đối với rất nhiều bạn trẻ khi về Việt Nam công tác là cảm giác các bạn ấy thiếu môi trường để tiếp tục phát triển, kiểu như "Tôi cần tiếp tục được học hỏi, phát triển tiếp, vượt qua những gì tôi đã được học hỏi, tiếp thu được".

Vì thế, cần xác định một cách hài hòa giữa 3 mô hình trên.

Như Sỹ - Ảnh Khánh Hòa