Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Tổng cục Thuế cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác xây dựng, phát triển ứng dụng CNTT do đơn vị thực hiện đã đáp ứng được yêu cầu triển khai các quy trình, chính sách mới cũng như yêu cầu sửa đổi chính sách nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), giảm số giờ tuân thủ về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ngành thuế cũng tổ chức phân tích, lập trình, kiểm thử và triển khai các phiên bản nâng cấp các ứng dụng dụng của ngành Thuế đáp ứng sửa đổi, bổ sung về chính sách, quy định, quy trình quản lý thuế, như ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); nâng cấp đáp ứng Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Cùng với đó, hoàn thành phân tích yêu cầu nghiệp vụ đáp ứng Thông tư số 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính; đáp ứng nhận tài khoản thanh toán của người nộp thuế (NNT) từ các ngân hàng theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ; đáp ứng trao đổi thông tin mã số công dân với Bộ Công an.

Đặc biệt, là việc triển khai mở rộng ứng dụng thuế điện tử với hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 828.492 doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 829.135 DN đang hoạt động, đạt 99,92%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 1/1/2021 đến tháng 6/2021 là 9.463.297 hồ sơ.

Bên cạnh đó, kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia ghi nhận, số lượng DVCTT mức 3 là 32 TTHC; số lượng DVCTT mức 4: 150 TTHC; số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/1/2021 đến tháng 6/2021 là 11.564.512 hồ sơ.

Ngành thuế cũng đã triển khai tích hợp dịch vụ đăng ký thuế lần đầu cho cá nhân sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ điền sẵn lên tờ khai đăng ký thuế lần đầu cho cá nhân, hỗ trợ giảm thao tác nhập dữ liệu lên form. Dự kiến sau khi hoàn thành về quy trình sẽ cho phép người dân không cần đến cơ quan thuế để đối chiếu bản giấy hồ sơ đăng ký thuế lần đầu.

Về dịch vụ khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy, từ 30/6/2020, ngành thuế đã phối hợp với Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (DNNCN) đã triển khai khai, nộp lệ phí trước bạ (LPTB) điện tử đối với ô tô, xe máy tại Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục CNTT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ DNNCN, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm, Văn phòng Chính phủ, các ngân hàng xử lý các vướng mắc về nghiệp vụ, về truyền nhận dữ liệu trong quá trình triển khai nhằm đảm bảo hoạt động của ứng dụng được ổn định.

Việc triển khai dịch vụ tin nhắn giữa cơ quan thuế với NNT; triển khai ứng dụng eTax dành cho thiết bị di động (e.Mobile); hóa đơn điện tử có xác thực; hoàn thuế điện tử; hỗ trợ ứng dụng eDocTC; triển khai hóa đơn điện tử; triển khai các giải pháp sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Trên cơ sở những kết quả tích cực đó, trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của ngành Thuế là phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai, minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.

Ngành Thuế cũng cam kết tiếp tục cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho NNT, từ đó, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thực hiện TTHC trong lĩnh vực thuế. Đồng thời, xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

“Ngành Thuế sẽ ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc CMCN 4.0, phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế. Đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, tích hợp với hệ thống Cổng DVCQG, hệ thống của các bộ, ngành, tham gia, phối hợp thực hiện các TTHC một cửa liên thông điện tử; phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu” - ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) chia sẻ với báo chí.

Linh Ngọc