Bộ mặt nông thôn được cải thiện và có bản sắc

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, tỉ lệ đô thị hóa ở vùng ĐBSCL đang tăng lên; chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân.

Cụ thể, toàn Vùng hiện có 174 đô thị gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 02 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 09 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa toàn Vùng tăng từ 27% (năm 2017) lên trên 31% (năm 2020). Các  đô thị trong vùng đã và đang phát huy vai trò hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần tích cực trong bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc.

{keywords}
Cần Thơ dẫn đầu ĐBSCL trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa.

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh. Tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL đã đạt khoảng 1,32 triệu m3/ngđ. Tỉ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017); tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình vùng đạt 22,5% (giảm khoảng 1,5% so với năm 2017).

Bộ mặt nông thôn được cải thiện và có bản sắc, 100% các xã trong Vùng đã được công nhận nông thôn mới, góp phần thực chất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân.

Nhà ở cho người dân được cải thiện, đặc biệt là người dân khu vực ngập lũ với khoảng 1 triệu người đã được bố trí chỗ ở an toàn, ổn định tại các cụm tuyến, khu vực bờ bao với đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tránh được nguy cơ lũ lụt và sạt lở và tạo nên các khu dân cư khang trang, văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho công cuộc phát triển Vùng

Bên cạnh các kết quả tích cực đạt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu lên những kết quả chưa được như mong muốn và còn nhiều thách thức đặt ra cho công cuộc phát triển Vùng.

Cụ thể, tỉ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của Vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn Vùng còn yếu và thiếu đồng bộ. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…

Trong khi đó, tình hình BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân. Trên góc độ quản lý nhà nước, một số chính sách có tính chất động lực, an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL đã được xây dựng nhưng cũng chưa đi vào cuộc sống do còn hạn chế nguồn lực thực hiện trong bối cảnh khó khăn ngân sách chung.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới , triển khai thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và nông thôn, thích ứng biến đổi khí hậu, quan tâm phát triển đô thị có chất lượng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bố trí sắp xếp dân cư ở những khu vực thiên tại, sạt lở để đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cho nhân dân trong vùng, tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đảm bảo cung cấp nước sạch, ngập nước an toàn khu vực ĐBSCL, cùng với đó, cũng cây dựng triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo mới của Đảng, phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, tăng cường hỗ trợ các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trên địa bàn.

Lương Bằng