Song song với việc xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia đạt tiêu chuẩn, ngành Lâm nghiệp và các địa phương cũng từng bước tập trung phát triển cây lâm nghiệp bền vững. Nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn và đưa vào phát triển trong sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.

{keywords}
Tầm quan trọng của phát triển kinh tế rừng

Kết quả thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2008-2020, ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu và công nhận được 277 giống cây lâm nghiệp, 61 tiêu chuẩn và 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng. Điều này đã đưa năng suất rừng trồng đạt năng suất bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ ha/năm. Ngành cũng đã công nhận 163 tiêu chuẩn và 15 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã ứng dụng vào sản xuất, mang lại kết quả, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho ngành lâm nghiệp.

Hiện ngành lâm nghiệp cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh hại rừng; nghiên cứu hiệu quả gắn với từng khâu sản xuất, chế biến, từng sản phẩm, dịch vụ môi trường rừng… Những kết quả nghiên cứu đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước, với trị giá xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng từ 6,79 tỷ USD năm 2015 lên 10,64 tỷ USD năm 2019.

Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường xuất khẩu chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm trên 80% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam hiện đứng thứ năm thế giới, đứng thứ hai châu Á, thứ nhất Đông - Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Đến nay, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để có nguồn nguyên liệu bảo đảm cho xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đang tập trung xây dựng và đi vào sản xuất các vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản theo quy hoạch, bảo đảm chứng chỉ rừng quốc gia. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hợp tác và liên doanh, liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đã được các địa phương phát triển.

Điển hình như, mô hình liên kết giữa công ty tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ (Tập đoàn IKEA) với công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ (công ty chế biến gỗ); liên kết giữa NAFOCO với các hộ trồng rừng Yên Bái; liên kết giữa Công ty Woodsland với các hộ trồng rừng Tuyên Quang; liên kết giữa Công ty Scansia Pacific với các hộ trồng rừng Quảng Trị; liên doanh, liên kết giữa công ty chế biến gỗ và người dân tại các tỉnh Quảng Nam; Quảng Ninh,...

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã thành lập Hiệp hội chủ rừng có chứng chỉ rừng, đây là các mô hình đầu tiên của cả nước, đang phát huy hiệu quả trong việc trồng, quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp gỗ có chứng chỉ rừng, tăng lợi nhuận cho người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.

Lê Na