Theo TS. Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, để phát huy vai trò của cấp ủy cơ sở trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Cấp ủy cơ sở là hạt nhân lãnh đạo chính trị có vai trò quan trọng, quyết định tổ chức thực hiện thành công mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, thường xuyên, hiệu quả 4 khâu trong tổ chức thực hiện nghị quyết như sau:

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và thảo luận xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Ở khâu này, đòi hỏi cấp ủy cơ sở, nhất là người đứng đầu phải nghiên cứu nắm vững các quan điểm mới, các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá… của nghị quyết; đồng thời trên cơ sở học tập, bám sát định hướng đề cương nghiên cứu, kế thừa những cách thức quán triệt của cấp ủy cấp trên, lựa chọn các hình thức phù hợp, sáng tạo (học tập, tọa đàm, hỏi đáp, thi tìm hiểu…), phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, của phương tiện thông tin, truyền thông, phát thanh viên, báo cáo viên cơ sở.

{keywords}
Ảnh minh họa. Bích Hạnh

Phương châm quán triệt: Rõ hơn về điểm mới, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời phát huy dân chủ, tổ chức thảo luận, rà soát, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… thống nhất ban hành chương hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp của Đảng bộ. Yêu cầu chung về chương trình hành động phải bảo đảm: đúng định hướng nhưng phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tính toàn diện song phải có trọng tâm, trọng điểm; vừa tập trung giải quyết vấn đề trước mắt, song phải chú trọng lợi ích, hiệu quả lâu dài. Theo đó, chương trình hành động có tính khả thi phải rõ: Rõ về mục tiêu, chỉ tiêu; rõ về nội dung, cách thức; rõ về điều kiện, nguồn lực; rõ về trách nhiệm tổ chức thực hiện. Qua đó, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, khơi dậy khát vọng và ý chí vươn lên của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo tiền đề quan trọng để toàn đảng bộ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi nghị quyết.

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hành động, hiện thực hóa và cụ thể hóa chương trình hành động thành phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị. Theo đó, cấp ủy lãnh đạo chính quyền khẩn trương, kịp thời cụ thể hóa chương trình hành động thành các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện; lãnh đạo mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Mấu chốt cơ bản ở khâu này là sự “kết nối” giữa các lực lượng. Bởi vậy, để tổ chức triển khai có hiệu quả, phát huy được sức mạnh, sự chủ động và sáng tạo của cả hệ thống chính trị đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy phải rõ về cơ chế phối hợp theo phương châm: Rõ việc; rõ chủ thể (chủ trì, phối hợp); rõ về điều kiện, thời gian; rõ về phương pháp, cách thức, quy trình; rõ về mô hình, sản phẩm.

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện kịp thời, điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp với thực tiễn. Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng là quá trình lâu dài liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực, để thực hiện thành công đòi hỏi cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra, giám sát để phát hiện những yếu tố không phù hợp, thậm chí là sai lệch, từ đó kịp thời điều chỉnh đúng định hướng, phù hợp thực tiễn, đem lại kết quả cao. Để làm tốt khâu này đòi hỏi cấp ủy phải có năng lực vừa bao quát, vừa sâu sát, cụ thể đến từng người, từng việc với phương châm: phải đến tận chỗ, rõ tận việc, thường xuyên kiểm tra, kịp thời điều chỉnh.

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết. Nội dung sơ kết, tổng kết là đánh giá những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo; những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và kinh nghiệm. Yêu cầu trong đánh giá sơ kết, tổng kết phải khách quan, toàn diện; lịch sử, cụ thể và thực tiễn, tránh biểu hiện chung chung, hình thức, nặng về thành tích, coi nhẹ những hạn chế, tồn tại. Mục tiêu chính của khâu này là thông qua đánh giá để khẳng định được thành tích, kết quả, những mô hình hay, cách làm hiệu quả; rút ra được những kinh nghiệm quý của thành công và thất bại để có giải pháp vừa khắc phục những hạn chế vừa phát huy được những thành tích, coi trọng tổng kết thực tiễn để hoàn thiện, phát triển lý luận thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở địa phương, đơn vị.

Hoài Linh