Những vườn thuốc tại trạm y tế xã

Vườn thuốc nam của trạm y tế xã Hanh Cù (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) được phát triển trên diện tích hơn 40m2. Vườn có khoảng 50 cây thuốc được trồng theo từng ô, nhóm riêng biệt và gắn biển tên nên rất thuận tiện cho người dân quan sát, tìm kiếm để xin về nhân giống và sử dụng.

Người dân không chỉ sử dụng trực tiếp những vị thuốc tươi mà còn hái, phơi khô, sao, chiết xuất để kéo dài thời gian sử dụng. Nơi đây có nhiều loại cây rất quen thuộc như: Ngải cứu, chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, rẻ quạt, đinh lăng, hương nhu, xạ đen, kim ngân…

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Những loại thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ xương khớp...

Ngoài ra, hiện nay hơn 270 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ hầu như đều có vườn thuốc nam.

Tương tự, vườn cây thuốc nam của xã Chiềng Yên (Vân Hồ, Sơn La) cũng được quan tâm, chăm sóc. Xuất phát từ điều kiện thực tế người dân ở các bản xa trung tâm xã ít có điều kiện thường xuyên về Trạm Y tế xã khám bệnh, Trạm đã xây dựng vườn cây thuốc nam rộng gần 40 m2.

Vườn bao gồm 50 loại cây, như: Bạc hà, bồ công anh, cam thảo, cỏ nhọ nồi, cỏ xước, gừng, húng, chanh, tía tô, kinh giới, mã đề... Mỗi loại cây được trồng vào một ô riêng và có gắn biển tên của cây thuốc để thuận lợi cho bà con tìm hiểu về công dụng của từng loại cây chữa một số bệnh.

Cũng như Trạm y tế xã Chiềng Yên, Trạm Y tế xã Tả Phìn, Lai Châu đã cải tạo, trồng mới được vườn thuốc nam mẫu có diện tích 50m2 với 9 nhóm thuốc, cây trồng sống xanh tốt.

Vườn thuốc có các cây chữa các bệnh thông thường như: Cảm cúm, chữa cơ xương khớp, mụn nhọt, chữa ho, hội chứng lỵ, ỉa chảy, xuất huyết, kinh nguyệt không đều, viêm gan….

Để xây dựng và phát triển vườn cây thuốc phong phú, Trạm Y tế đã giao nhiệm vụ cho từng nhân viên y tế của Trạm chịu trách nhiệm chăm sóc, bổ sung những cây thuốc nam còn thiếu. Ngoài ra, cán bộ trong Trạm cũng được trang bị những kiến thức về các bài thuốc nam đơn giản để hướng dẫn người dân thực hiện.

Tác dụng từ vườn thuốc nam

So với việc chữa bệnh theo phương pháp Tây y thì chữa bệnh bằng thuốc Nam có nhiều ưu điểm như ít tốn kém, dễ trồng, chữa bệnh an toàn, ít gây tác dụng phụ, tránh được hiện tượng nhờn thuốc. Hiệu quả chữa bệnh của cây thuốc Nam cũng cao nếu được sử dụng đúng cách.

Việc xây dựng vườn thuốc Nam sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng những loại cây thảo dược chữa một số bệnh thông thường, tăng cường sức đề kháng và hạn chế sử dụng thuốc Tây khi chưa thật sự cần thiết.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương - Trạm trưởng Trạm y tế xã Hanh Cù (Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, hiện trạm y tế vẫn thường xuyên chăm sóc, bổ sung và sử dụng kết hợp giữa đông, tây y trong việc chữa một số bệnh thông thường cho người dân. Khi bệnh nhân đến trạm khám, cán bộ y tế của trạm tuyên truyền, giới thiệu cho người bệnh về cách sử dụng.

{keywords}
Hạ khô thảo Ảnh: VietNamNet

Nhiều người dân cũng chia sẻ, họ sử dụng các loại cây thuốc nam có sẵn trong vườn, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Nếu cây nào không có thì ra vườn thuốc nam của trạm y tế xin về trồng vì dùng thuốc nam tuy tác dụng chậm hơn thuốc tây y nhưng nó không có tác dụng phụ. Ví dụ trong thời điểm giao mùa, các bé hay bị ho, sổ mũi. Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y theo đơn kê của bác sĩ, người dân xin lá hẹ, húng chanh hấp mật ong cho con uống để giảm cơn ho…

Về việc sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh cho người dân, bác sỹ Nguyễn Thị Tiến, Trạm trưởng Trạm Chiềng Yên (Sơn La) cho biết: Trong quá trình chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, nếu xác định có thể chữa được bằng cây thuốc nam, các bác sĩ thường tư vấn và hướng dẫn bà con sử dụng cây thuốc nam kết hợp với thuốc tây để điều trị. Cũng có trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần điều trị bằng thuốc nam, có nhiều trường hợp người bệnh sử dụng thuốc nam đã điều trị khỏi bệnh.

Hằng tháng, Trạm Y đều phân công cán bộ về các bản phối hợp với nhân viên y tế bản tuyên truyền, vận động nhân dân dành một khoảnh đất trong vườn nhà để trồng một số loại cây thuốc nam, cũng như cách sử dụng của từng loại cây.

Được cán bộ y tế xã, bản hướng dẫn, nhiều gia đình có người bị sốt, hay ho, đều lấy cây thuốc trong vườn để chữa, nếu 2-3 ngày bệnh không thuyên giảm gia đình mới đưa về Trạm Y tế xã để chữa trị.

Hoạt động này giúp người dân tận dụng được những loại cây thuốc nam để chữa trị các bệnh thông thường kịp thời; người bệnh giảm sử dụng kháng sinh trong trường hợp không cần thiết. Bênh cạnh đó, người dân còn tiết kiệm được chi phí cho việc điều trị bệnh.

Lê Hà