Dư luận bàn tán chưa ngớt về sự kiện một lớp học có 42/43 học sinh giỏi, thì lại xuất hiện bảng thống kê "danh sách các học bạ toàn điểm 10 gây choáng" của các ứng viên dự xét tuyển vào một trường cấp II danh tiếng ở Hà Nội. 

Hiện tượng này có lẽ không mới trong một số năm lại đây. Dư luận, truyền thông đã nói, viết về sự bất thường này như: "cần loại bỏ nền giáo dục nói dối", "Điểm 9, 10 đâu ra mà nhiều kinh khủng"...

Mặc dù cơ quan chuyên trách đã nhanh chóng vào cuộc và xác minh lớp 42/43 học sinh giỏi không có bệnh thành tích, theo đó qua thanh tra thì kết quả chấm phúc khảo không có bài nào có sai số vượt quá giới hạn cho phép với số điểm đã chấm trước đó (1)... Nhưng liệu chúng ta có nên yên tâm rằng "không có bệnh thành tích" trong giáo dục, ngay cả đối với những trường hợp đã được "phúc khảo" này?

Theo mô tả thì các thanh tra viên dựa vào đề thi, kiểm tra và kết quả bài làm để chấm lại, đánh giá lại... thì cho ra kết quả như trên. Nhưng làm sao phúc khảo được những quá trình trước đó như: tổ chức thi nghiêm chỉnh hay không, có hiện tượng phao bài quay tài liệu không, đề thi kiểm tra do ai ra, người ra đề có dạy thêm không, các em học sinh có đi học thêm ở các lớp đó hay không, có hiện tượng "luyện gà" trước kỳ thi hay không, nếu cho các học sinh trên làm một đề thi cùng cấp độ nhưng do một đội ngũ của địa phương khác ra đề thì sao... 

{keywords}
Những bảng điểm toàn 10 gây xôn xao dư luận. Ảnh minh họa

Cho thấy vẫn còn nhiều câu hỏi không thể giải đáp. Vậy nên nếu "yên tâm" ở đây "không có bệnh thành tích" là vội vàng, có tác dụng trấn an dư luận nhưng có thể gây cản trở đà cải cách giáo dục đang được thực tế cuộc sống đặt ra cấp thiết.

Có thể những bài kiểm tra, bài thi được lấy ra chấm phúc khảo là kết quả thật, "học bạ toàn điểm 10" kia cũng là thật... nhưng chúng là công đoạn cuối của một quy trình mà không đoàn nào thanh tra phúc khảo nổi. Tiềm ẩn trong đó nhiều mầm mống của bệnh thành tích, thậm chí là sự bất công, ảo diệu: học thêm, luyện gà, mớm đề... đã thành nếp trong xã hội mà người học phải can dự vào, vì "muốn qua dòng sông tri thức phải lụy con đò bệnh thành tích" của ngành Giáo dục.

Đã lâu chúng ta thừa nhận với nhau rằng giáo dục của nước ta là nặng lý thuyết, xa rời thực tế... Trải qua nhiều cuộc cải cách rầm rộ thì cái khoảng cách ấy ngày nay hầu như vẫn không “động đậy”. Cộng hưởng với những tiêu cực kéo dài khiến nhiều gia đình khá giả, quan chức… và ngay cả lãnh đạo các trường đại học trong nước cũng có khuynh hướng cho con em đi du học ở nước ngoài.

Mặt khác bằng cấp của nước ta mang ra thì không được nước ngoài chấp nhận, thời giáo dục hội nhập mà bằng cấp không được công nhận là một thiệt thòi rất lớn cho công dân nước mình là những sự thật rõ ràng. Nhưng sự lạm phát bảng điểm đẹp, tỷ lệ học sinh giỏi như thuốc kích thích gây ảo giác, khiến chúng ta quên đi những thực trạng.

Có lẽ trên thế giới nhiều nhân vật nổi tiếng, nhà khoa học, nhà phát minh, kinh doanh tài ba... ít ai có cái bảng điểm và học lực "toàn bích" như của nhiều học sinh nước ta (4). Các trường đại học có uy tín nước ngoài thì tiêu chí thu nhận sinh viên họ rất chú trọng các yêu tố như quá trình trải nghiệm đời sống xã hội, nỗ lực vượt khó trong cuộc sống, lý tưởng phục vụ nhân sinh khi ra trường... chứ không chỉ là "bảng điểm toàn 10". Tin tức một em học sinh gốc Việt ở Mỹ cha mất, sống tự lập ăn bờ ngủ bụi đã nhận được học bổng của trường Harvard mà nhiều tờ báo đăng mới đây là một minh chứng.

Một nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản cũng mở rộng cửa chào đón những "người thật việc thật", học sinh đã từng thất bại, mắc khuyết điểm nhưng biết cố gắng để vươn lên trong cuộc sống... Còn những "profile" cá nhân với những từ ngữ cao xanh thì họ không lấy làm hào hứng cho lắm, lại đánh một cái dấu hỏi to tướng lên hồ sơ của mình.

Sách giáo khoa môn Đạo đức của học sinh Nhật có một bài về "Mài dũa bản thân". Theo đó, trong tâm hồn mỗi học sinh đều tiềm ẩn một viên ngọc nhưng các em phải biết cách trui mài để cho viên ngọc sáng lên (ngọc bất trác bất thành khí)! Có thể nói văn hóa Nhật đề cao những người còn khuyết điểm mà chân thành tử tế hơn là những viên ngọc bích kiêu ngạo chỉ để trưng bày trong tủ.

Chúng ta không kỳ thị điểm 10 nhưng phải nhận chân ra các yếu tố tiềm ẩn dưới con số tròn trĩnh ấy, nếu không sẽ làm hư bọn trẻ. Cần thiết kế đề thi, bài kiểm tra hướng đến đề cao yếu tố thực tế sáng tạo, sự trong sáng đạo đức của tâm hồn, loại trừ các yếu tố mưu mẹo, "học tủ", "mớm đề", a dua ba phải... những đặc điểm phổ biến trong nhà trường hiện nay. Mặt khác, giáo dục nên chú trọng dạy cho học sinh làm người tử tế còn quan trọng hơn chạy theo thành tích, danh hiệu..

Trúc Nguyễn
---

(1) Lớp có 42/43 học sinh giỏi: 'Không có bệnh thành tích', Tuổi trẻ online, 31/05/2019.