Tâm thế của lực lượng y tế Việt Nam qua 2 làn sóng dịch

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương là người trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở cả 2 làn sóng dịch ở Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Ông chia sẻ, qua 2 làn sóng đó, hệ thống y bác sĩ, nhân viên y tế của Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, sẵn sàng tâm thế ứng phó với các làn sóng mới, có thể xảy ra trong tương lai.

Theo bác sĩ Cấp, khi đợt dịch thứ 2 bùng phát ở miền Trung thì Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận rất nhiều nhóm bệnh nhân từ nước ngoài về.

{keywords}
 

Do đó ông không vào chi viện được ngay lập tức mà phải sau 1 tuần, khi tình hình ở viện ổn định mới vào được. 

“Chúng tôi đã từng tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 trước đó với diễn biến từ nhẹ đến nặng. Vì thế chúng tôi cũng dần dần điều chỉnh được các chiến lược về điều trị, về dự phòng nói chung ở trong bệnh viện”, ông chia sẻ.

Trong làn sóng dịch thứ 2, bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 phải tiếp nhận những ca bệnh rất nặng từ Đà Nẵng chuyển ra.

Chính vì vậy khi đoàn bác sĩ ngoài Hà Nội vào đó đã thấy các đồng nghiệp đang trải qua những sự bỡ ngỡ, những chiến lược chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh. Lúc này, nhiều bệnh nhân chuyển biến rất nặng, cơ hội điều trị không còn. Giai đoạn đó bệnh nhân tử vong khá nhiều, trung bình 1 ngày tử vong 1-2 người.

“Sau một thời gian, khoảng hơn 1 tuần mà ngày nào cũng có bệnh nhân tử vong, các bác dường như hoang mang, dao động và mất tự tin, mặc dù họ là những bác sĩ rất giỏi.

Khi chúng tôi vào, cũng là nguồn động viên, sốc lại tinh thần cho các y bác sĩ, để đồng lòng, dốc hết sức vào việc điều trị. Chúng tôi hỗ trợ các đồng nghiệp trong đó nhanh chóng vượt qua gia đoạn ban đầu, ổn định được việc tổ chức điều trị cũng như là chiến lược điều trị”, bác sĩ Cấp kể

Sau 1 tuần, hiệu quả điều trị thấy rõ và các y bác sĩ ngoài Hà Nội vào tăng cường cùng đội ngũ y bác sĩ trong đó kìm được đà tử vong của các bệnh nhân. Dần dần các bệnh nhân khác hồi phục.

Bác sĩ Cấp cho biết thêm, đợt dịch lần thứ nhất các bệnh viện phải tiếp nhận bệnh nhân khá chủ động.

Ví dụ như Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhóm bệnh nhân đầu tiên là 5 công nhân từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về. Họ đều khỏe mạnh, diễn biến lâm sàng khá ổn định. Sau đó bệnh mới tiếp nhận những bệnh nhân nặng, cho nên ông và đồng nghiệp có 1 khoảng thời gian để xem xét điều chỉnh. Tất cả mọi thứ về mặt tổ chức, điều trị, chiến lược điều trị cũng như là thu nhận các kinh nghiệm về điều trị.

Với đợt dịch trong Đà Nẵng, ông cho rằng các đồng nghiệp trong đó giống như bị đánh úp, bất ngờ và rơi ngay vào nhóm bệnh nhân vô cùng nặng, nằm ở khoa hồi sức, bệnh nhân khoa thận nhân tạo, thậm chí khoa ung thư, là những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.

Các đồng nghiệp trong đó chưa có thời gian để chuẩn bị, để điều chỉnh, để sẵn sàng đối phó mà ngay lập tức phải tiếp nhận những bệnh nhân vô cùng nặng như vậy nên tình huống lúc đó cực kỳ khó khăn.

Đợt bùng phát ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã có những đội cơ động vào phát huy hết sức hiệu quả. Lực lượng ở Sở Y tế tỉnh bạn tăng cường cho Đà Nẵng và Quảng Nam, thì giai đoạn đầu đều là những thầy thuốc chưa từng tiếp xúc với Covid-19 bao giờ nên khi vào họ cũng đối mặt nhiều bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu.

Tuy nhiên,  khi đội ngũ y tế từng trải qua Covid-19 vào sát cánh cùng họ, mọi lúng túng cũng biến mất. Đây cũng là hội cho lực lượng tăng cường được thử lửa ở thực địa.

“Tôi hi vọng sau khi họ trở về địa phương, nếu chẳng may địa phương nào xuất hiện các cụm dịch, họ sẽ là một lực lượng rất tốt đáp ứng tại địa phương đó”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp bày tỏ.

Phác đồ điều trị Covid-19 liên tục cập nhật

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thông tin, các phác đồ điều trị phải liên tục cập nhật, liên tục sửa đổi theo các nghiên cứu, hiểu biết về bệnh lý này.

Ví dụ, từ khi có dịch đến giờ, Bộ Y tế đã thay đổi 3 phiên bản của hướng dẫn điều trị.

Phiên bản đầu tiên: Đây là phiên bản khi dịch mới bùng phát và mới chỉ có 1 nhóm nhỏ bệnh nhân ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho nên các thông tin, nghiên cứu chưa có gì. Lực lượng y tế Việt Nam xây dựng phác đồ dựa trên hiểu biết cơ bản về những bệnh lý tương tự.

Phiên bản thứ hai: Khi dịch bùng phát mạnh, chúng ta đã có những bệnh nhân, có những kinh nghiệm và trên thế giới cũng có nhiều nghiên cứu, và Việt Nam có những bước sửa đổi trong phác đồ.

Phiên bản thứ ba: Khi các nghiên cứu trong nước và trên thế giới hoàn chỉnh hơn, Bộ Y tế lại tiến hành sửa đổi.

“Tôi nghĩ rằng, nếu như có sự tiến bộ về mặt hiểu biết, cơ chế bệnh sinh rồi điều trị nhiều hơn nữa, chúng ta vẫn tiếp tục có những bước sửa đổi phù hợp hơn”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Về phía các bệnh viện, việc phát hiện sớm các ca chỉ điểm và phối hợp chặt chẽ với hệ thông y tế phòng dịch là điểm quan trọng giúp Việt Nam có thể khống chế các ổ dịch khi chúng còn ở diện nhỏ.

Phó giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ thêm, việc vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp Covid-19 dương tính xâm nhập (từ nước ngoài trở về), thì vấn đề đảm bảo an toàn cho bệnh viện, không để bệnh viện trở thành ổ dịch lan ra cộng đồng là điều vô cùng quan trọng.

Quang Sơn