Năm 2020, hộ chăn nuôi của ông Lê Văn Tịnh (Bà Rịa – Vũng Tàu) nuôi thử nghiệm 50 con ngỗng sư tử theo hướng an toàn sinh học, với vòng tuần hoàn khép kín. Đến nay, mô hình của ông đã thu được nhiều thành công, trở thành điểm sáng trong chăn nuôi an toàn, hiệu quả của địa phương.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Trước đây, ông Tịnh chủ yếu trồng cây chanh vàng giống Mỹ và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vườn của ông rộng 15 nghìn m2, có 1 nghìn 300 gốc chanh vàng. Diện tích rộng lớn, ông mất nhiều công chăm sóc, cắt cỏ vườn. 

Một lần ra Hà Nội chơi, ông ghé thăm một cơ sở nuôi ngỗng sư tử và bị thu hút. Qua tìm hiểu cách nuôi và tham khảo thị trường, ông thấy giống gia cầm này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó còn có nhiều lợi ích khác. Tháng 12/2020, ông Tịnh mua 50 con ngỗng sư tử 1 ngày tuổi với giá 130 ngàn đồng/con từ trang trại ở Hà Nội về nuôi thử nghiệm.

Ông Tịnh cho biết, ngỗng sư tử có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc. Loài vật này dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít mắc bệnh.

Ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngỗng sư tử được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên kết hợp thức ăn hữu cơ và an toàn sinh học trong vườn cây chanh vàng Mỹ. Từ khi ông nuôi ngỗng sư tử, vườn chanh vẫn xanh tốt, sai quả, cỏ dại mọc đến đâu ngỗng ăn sạch đến đó. Phân ngỗng dùng để bón cho cây, cải tạo chất lượng đất, không phải dùng phân bón.

Ông chia sẻ thêm, chăn nuôi ngỗng sư tử theo quy mô trang trại đòi hỏi bà con phải quy hoạch với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Hình thức bán tự do được áp dụng phổ biến hơn cả. Đàn ngỗng vừa có chuồng nhốt, vừa có sân chơi, bãi cỏ. Chuồng nuôi thông thoáng, phân tách các khu vực giống, hậu bị, thịt riêng biệt. Nuôi úm phải chuẩn bị quây úm, đèn sưởi, chất độn chuồng.Từ 1 – 7 ngày duy trì mật độ nuôi 10 – 15 con/m2. Từ 8 – 28 ngày duy trì 6 – 8 con/m2. Ngỗng trưởng thành duy trì mật độ nuôi theo điều kiện của từng trang trại.

Chuẩn bị máng ăn, máng uống đầy đủ. Máng ăn kích thước 45cm x 60cm x 2cm (25 – 30 con nhỏ). Để ngỗng tăng trưởng nhanh hoặc khi ngỗng bước vào thời kỳ sinh sản, người nuôi cho ngỗng ăn thêm thóc, bột bắp, cám gạo, bã đậu nành ngày 2 lần vào lúc 6 giờ sáng và 17 giờ chiều.

Thức ăn tinh chiếm tỷ lệ nhỏ nên chi phí đầu tư không nhiều. “Mỗi lần cắt cỏ, tôi phải thuê người làm với chi phí hơn 1 triệu đồng/1.000 m2. Từ khi nuôi ngỗng, gia đình tôi vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm chi phí cắt cỏ”, ông Tịnh nói thêm.  

Hiện nay, ông Tịnh đang nhân giống để tăng đàn lên 1.000 con trong thời gian tới. Theo ông Tịnh, ngoài tác dụng làm cỏ, cung cấp phân cho cây trồng, giảm chi phí nhân công, thịt ngỗng sư tử giàu dinh dưỡng, nhiều người ưa chuộng nhưng số lượng đàn không lớn nên dễ tiêu thụ.

Ngỗng sư tử là gia cầm mới có mặt ở khu vực phía Nam nên nhu cầu tiêu thụ ngỗng thương phẩm cũng như con giống rất lớn. Ngoài việc cho ấp nở để tăng số lượng đàn, ông còn bán trứng, con giống, ngỗng thịt ra thị trường. 

Ông Đinh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thành cho biết, qua đánh giá bước đầu cho thấy, nuôi ngỗng sư tử an toàn sinh học là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp bảo vệ môi trường.

Quang Sơn