Khởi đầu khó khăn

Bắt tay xây dựng nông thôn mới đã gần 10 năm, Hòa Bình chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 4,4 tiêu chí/xã. Nhiều tiêu chí gặp nhiều khó khăn như: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo… Sản xuất nông nghiệp manh mún, giá trị hàng hóa chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn mới đạt 8,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,51%...

Xã Bình Sơn, có xuất phát điểm thấp, số hộ nghèo còn cao, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần nhiều vốn, trong khi xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Sau khi có quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới xã đã nhanh chóng tổ chức thực hiện bằng cách xây dựng hệ thống dự án để lựa chọn dự án ưu tiên. Cần có cách làm sáng tạo, phù hợp, phải xác định lộ trình, thời gian hoàn thành từng tiêu chí để xây dựng các dự án, cũng như xác định nguồn lực đầu tư để triển khai đạt hiệu quả cao.

{keywords}
Nông thôn mới ở Hòa Bình ngày càng thêm mới

Đến nay, Bình Sơn đã đạt 13/19 tiêu chí, xã phấn đấu trong năm 2020 đạt thêm 2 tiêu chí nữa đó là tiêu chí Trường học và Cơ sở vật chất văn hóa.

Huyện Mai Châu, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện có số tiêu chí bình quân chỉ đạt 4,7 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 10/22 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tuy vậy, bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, tư duy thay đổi từ cách nghĩ, cách làm đến việc phát triển kinh tế gia đình, góp phần đưa thu nhập bình quân tăng lên, rút ngắn tỷ tỷ lệ hộ nghèo.

Đến nay, Mai Châu đã có 7 xã về đích nông thôn mới. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện đề ra mục tiêu: 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số xã còn lại phấn đấu thêm 5 tiêu chí trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 49 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2%/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên từ 90% trở lên; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 98% trở lên…

Đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu đến thời điểm này, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hòa Bình, cho biết: Toàn tỉnh có 88 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 46% (hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh 6% trước 01 năm); 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 97 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; bình quân tiêu chí nông thôn mới của các xã năm ngoái đạt 15,1 tiêu chí/xã (tăng bình quân 1,76 tiêu chí so với năm trước đó). Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Lương Sơn đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt nông thôn mới năm 2019. Năm 2020, huyện Lạc Thủy phấn đấu về đích nông thôn mới.

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, sau sáp nhập, Hòa Bình có 53/131 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 40,5% tổng số xã. Các xã có điều kiện thuận lợi để phấn đấu đạt chuẩn năm 2020 là 15 xã, nâng tổng số xã toàn tỉnh đạt chuẩn lên 68 xã (chiếm 52%).

Xây dựng tầm nhìn xa

Từ xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thúc đẩy cơ cấu nội bộ của ngành chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao.

Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Những năm qua, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, các huyện, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện trên 1.900 mô hình phát triển sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn..., với kinh phí hỗ trợ từ các nguồn vốn là 367 tỷ đồng; từ nguồn vốn Chương trình nông thôn mới đã hỗ trợ 32 dự án liên kết theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí 26.514 triệu đồng. Trong tỉnh bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá, điển hình như các vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây dược liệu, trồng mía, nhãn... Các sản phẩm nông sản chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi từng bước khẳng định được giá trị ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thực tế đã chứng minh, xây dựng NTM ở tỉnh Hoà Bình không thể thành công nếu không có sự chung sức, đồng lòng của người dân. Minh chứng thuyết phục là trong giai đoạn 2010 – 2019, toàn tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được 2.468,57 tỷ đồng, trong đó, đóng góp bằng tiền được 109,72 tỷ đồng; huy động hơn 2.409.000 ngày công lao động; các hộ gia đình đã hiến hơn 979.300 m2 đất; đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc… quy đổi bằng tiền được 2.306 tỷ đồng; vốn huy động từ các nguồn khác được 52,36 tỷ đồng.

Nhằm giữ vững và phát huy thành quả đạt được của Chương trình xây dựng NTM, trong giai đoạn 2020 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu. Hàng năm, XDNTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi địa phương và các sở, ban, ngành. Xây dựng kế hoạch, lộ trình tiếp tục thực hiện xã đạt chuẩn NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu. Duy trì, nâng cao chất lượng đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, xã đạt chuẩn NTM. Xây dựng lộ trình phù hợp thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu... Tập trung chỉ đạo phát triển KTXH địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị...

Anh Duy
Ảnh: Vũ Lụa