Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện

Tiến trình xây dựng nông thôn mới của Cần Thơ đã bước qua giai đoạn xây dựng nền tảng (2010-2015) và đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn 2016 - 2020 với việc toàn bộ 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Lê Văn Tính, Phó chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, chia sẻ: Nét nổi bật từ Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

{keywords}
Nông thôn mới của Cần Thơ đã bước qua giai đoạn xây dựng nền tảng

 

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, phong trào “Cần Thơ chung sức xây dựng nông thôn mới” được phát động sâu rộng, sôi nổi từ đó khơi dậy sức dân, mang lại kết quả rất to lớn, góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới nhanh hơn, hiệu quả hơn. Năm 2020, thành phố phấn đấu công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt lên 7/36 xã; tất cả 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và tiến tới được công nhận thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đồng tâm hiệp lực

Qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến tích cực, đổi mới rõ nét với nhiều kết quả nổi bật. Toàn thành phố có 115 mô hình cánh đồng lớn với diện tích trên 29.000ha; hình thành các vùng sản xuất an toàn, cây trái tập trung theo quy mô, sản xuất theo quy trình tiên tiến, thân thiện với môi trường; xây dựng được 37 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái… Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 48,915 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,59%; 145/192 trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định…

Bài học kinh nghiệm rút ra từ công cuộc xây dựng nông thôn mới của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020 chính là sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn phải bám sát quan điểm, mục tiêu và giải pháp để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình.

Đa số các huyện xây dựng nông thôn mới của thành phố sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế do đó, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập làm tiền đề huy động nguồn lực trong dân. Đơn cử như: Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị…

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Lê Văn Tính cho rằng, vấn đề khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới những năm qua là huy động nguồn lực để thực hiện các tiêu chí.

Hiện nay, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới phụ thuộc vào nguồn ngân sách tự điều tiết của thành phố nên cần có sự phối hợp, lồng ghép nhiều nguồn, liên quan đến nhiều đơn vị. “Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các công trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch”, ông Tính nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, thành phố Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Với yêu cầu đặt ra trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ngày càng cao, nên các địa phương cần lưu ý, quan tâm xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

Lê Tình
Ảnh: Ngọc Trang