Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đang phát huy hiệu quả. Sau khi được học, phần lớn học viên đã có việc làm, thu nhập ổn định.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện có kiến thức, kỹ thuật, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hằng năm, huyện đều có văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký nhu cầu học nghề của người dân, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, tập trung vào hai lĩnh vực nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hàng năm, huyện mở các lớp đào tạo nghề chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp, hướng dẫn du lịch, sản xuất hàng mây tre đan, trồng rau, nuôi trồng thủy sản.... Cùng với đó, các tổ chức hội, đoàn thể, ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tại các xã trên địa bàn huyện, thu hút đông đảo người dân tham gia.

{keywords}
Lớp học mây tre đan tại xã Bình An, huyện Lâm Bình

Chủ tịch UBND xã Hồng Quang Phù Đức Lâm cho biết, hiện nay, người ở độ tuổi lao động trên địa bàn xã (từ 18 - 40 tuổi) chiếm trên 70%. Với mục tiêu tạo điều kiện cho người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn có nghề, xã đã phối hợp với các đơn vị mở các lớp học nghề như: Xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi… Mỗi lớp học thu hút từ 25 - 30 học viên tham gia. Sau khi học nghề, các học viên có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày, tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã số lao động đã qua đào tạo có 180 người. 

Anh Ma Đình Huế, thôn Bản Luông, xã Hồng Quang tham gia lớp học xây dựng trong thời gian 3 tháng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Với quyết tâm học nghề để có việc làm và thu nhập ổn định, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện và tự học thêm ở thực tế, anh đã nắm được các kỹ thuật cơ bản trong xây dựng. Anh Huế nói, biết anh đã qua học nghề, bà con trong thôn, xã đã thuê anh đến xây dựng những công trình nhỏ như: Tường rào, nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà ở. Đến nay, anh đã có tay nghề vững, nhận xây dựng các công trình lớn của các cơ quan, đơn vị... Vừa làm anh vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, nhờ đó đến nay gia đình anh có thu nhập ổn định. Vào dịp cao điểm, thu nhập lên tới chục triệu đồng/tháng.

Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện những năm gần đây là đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện. Anh Đinh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chia sẻ: Năm ngoái, Trung tâm đã phối hợp với Xưởng mây tre đan xuất khẩu ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, với Hợp tác Nhật Minh, xã Khuôn Hà để đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau học nghề. Nhờ đó, 30 học viên được học nghề mây tre đan đều có việc làm và thu nhập sau học nghề.

Chị Hỏa Thị Thủy, xã Khuôn Hà cho biết, chị tham gia lớp học nghề mây tre đan do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau học nghề, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị đã làm sản phẩm và được Hợp tác xã Nhật Minh thu mua, giúp tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, hàng tháng chị đã có thêm thu nhập phụ giúp gia đình và trang trải cuộc sống.

Theo thống kê, toàn huyện có trên 85% học viên sau học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Trong năm 2020, huyện có kế hoạch mở 8 lớp học nghề cho gần 300 học viên. Trong đó, các nghề chủ yếu như: Mây tre đan, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn… Từ đó, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Thúy Nga