Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ nông sản trên cả nước. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã ban hành và triển khai kế hoạch hỗ trợ, đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp - nông thôn.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn TMĐT để kết nối tiêu thụ nông sản tới các địa phương trong cả nước. Từ đó, giúp hộ sản xuất tăng kênh phân phối, mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào khâu trung gian, giúp người dân các địa phương trong cả nước và ở nước ngoài có thể thưởng thức đặc sản Việt Nam thuận tiện, nhanh chóng, ngay cả trong bối cảnh hạn chế đi lại, vận chuyển do dịch bệnh.

Đây có thể coi là một cách làm hay, lâu dài để hỗ trợ người dân tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm trên kênh bán hàng online trong trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

{keywords}
Ngày 3/10, Siêu thị trực tuyến Postmart thuộc Bưu điện Việt Nam đã ký kết và mua 10 tấn cam Vàng Hà Giang của HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các kênh bán hàng truyền thống cũng như việc vận chuyển hàng hóa của tỉnh Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến sản lượng tiêu thụ bị hạn chế. Để tiêu thụ được sản phẩm đòi hỏi các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phải thay đổi tư duy. Việc áp dụng công nghệ số, đưa các sản phẩm OCOP của Hà Giang lên các sàn giao dịch TMĐT lúc này là cần thiết.

Trước hết, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã triển khai tập huấn các nội dung cơ bản như: Hướng dẫn quy trình các bước tiến hành đăng ký tài khoản, cập nhật thông tin sản phẩm, hàng hóa lên cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm, đăng nhập tin mua, bán và đăng ký logistics. Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Giang niên vụ 2021 - 2022.

Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng TMĐT trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm với nhiều nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập website kết nối với các sàn giao dịch TMĐT. Triển khai hiệu quả chương trình hợp tác với Tập đoàn FPT trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT như Sendo; Lazada; Voso, Postmart. Phối hợp, liên kết với các tổ chức, đơn vị chuyên ngành xúc tiến thương mại mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về các lĩnh vực như: TMĐT, xây dựng thương hiệu, kỹ năng nghiên cứu phát triển thị trường…

Đầu tháng 10, Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp với Đoàn thanh niên Tập đoàn FPT và Sàn TMĐT Sendo tổ chức hội thảo hướng dẫn đưa sản phẩm lên Sàn TMĐT Sendo. Hội thảo nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ nông sản nhanh và tiếp nhận thông tin, hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua sàn TMĐT Sendo. Qua đó, tìm ra các giải pháp, cách làm hiệu quả nhất, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công - xúc tiến công thương tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch TMĐT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tại 11/11 huyện, thành phố.

Các thao tác như đăng ký tài khoản, cách thức vận hành ứng dụng trên sàn TMĐT Voso.vn; Postmart.vn và các kỹ năng áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng như dhụp ảnh, livestream, tư vấn cho khách hàng… đã được các cán bộ, nhân viên Viettel Hà Giang, Bưu điện Hà Giang, Trung tâm Khuyến công - xúc tiến công thương tỉnh chia sẻ, hướng dẫn cho người dân.

Đồng hành cùng với tỉnh trong nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn TMĐT, thời gian qua, Bưu chính Chi nhánh Viettel đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đưa lên sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu.

Ông Lưu Thế Hoàng, Giám đốc Bưu chính Chi nhánh Viettel Hà Giang cho biết: “Là một trong những đơn vị viễn thông tiên phong phát triển nhiều kênh thông tin để quảng bá, hỗ trợ nhân dân mua, bán sản phẩm trên các nền tảng công nghệ thông tin, trong xu hướng đó, Sàn TMĐT Voso.vn của Viettel Post cũng đã ra đời. Tại đây, người bán có thể đăng tải thông tin về sản phẩm lên sàn, còn người mua vào xem, lựa chọn và đặt hàng. Đồng thời, khách hàng có quyền đánh giá về sản phẩm sau khi sử dụng.

Để làm được điều đó, đơn vị đã chủ động phân công chuyên viên theo dõi, hỗ trợ đưa hàng chục sản phẩm OCOP của tỉnh lên toàn hệ thống. Chủ động liên hệ, hỗ trợ vận chuyển cho các đơn hàng phát sinh trên sàn TMĐT”. 

Ngoài Chi nhánh Bưu chính Viettel, Bưu điện tỉnh cũng đã và đang vào cuộc quyết liệt nhằm hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng Postmart của Bưu điện Việt Nam. Đến nay đã có hơn 30 sản phẩm đặc trưng của tỉnh được đăng tải, quảng bá trên nền tảng công nghệ của Bưu điện Việt Nam.

Điển hình ngày 3/10 vừa qua, Siêu thị trực tuyến Postmart thuộc Bưu điện Việt Nam đã ký kết và mua 10 tấn cam Vàng Hà Giang của Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang. Đây là chuyến hàng nông sản đầu tiên của tỉnh được tiêu thụ thông qua sàn giao dịch TMĐT.

Có thể nói, Hà Giang đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, để quá trình này diễn ra thành công hơn nữa, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần nỗ lực đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận được với các thị trường lớn trong nước cũng như quốc tế. 

Thanh Hải