{keywords}
Phỏng vấn người lao động tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến

Ngay khi dịch vừa bùng phát trở lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng đã chủ động thông báo trên trang thông tin điện tử của đơn vị và trên Zalo về việc tổ chức tư vấn thủ tục nhận hồ sơ của người thất nghiệp qua hai hình thức (trực tiếp và gián tiếp). Trung tâm thường xuyên cập nhật các chính sách bảo hiểm thất nghiệp kịp thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các kênh truyền thông, website, facebook, zalo… để giúp người lao động năm bắt thông tin nhanh chóng chính xác.

Đồng thời, Trung tâm phối hợp với các cơ quan bảo hiểm xã hội tạo điều kiện giải quyết các khó khăn trong công tác in tờ rời đóng bảo hiểm xã hội, các giấy tờ liên quan đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp giúp lao động giải quyết được thủ tục giấy tờ đầy đủ bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Phối hợp với bên ngân hàng tạo điều kiện trong công tác cấp thẻ ATM giúp người lao động nhận tiền hưởng bảo hiểm thuận lợi hơn.

Hàng loạt trung tâm dịch vụ việc làm khác như Hà Nội, TP.HCM, Ninh Bình, Long An, Đồng Nai... cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kết nối với người lao động và doanh nghiệp trên các kênh truyền thông, website, facebook, zalo…

Không chỉ vậy, các sàn giao dịch việc làm online cũng hoạt động sôi nổi, đặc biệt có sự kết nối giữa Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố.

Ở miền Trung, các địa phương có đông người lao động trở về như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã gặp nhiều sức ép về tạo việc làm trong thời gian vừa qua.

Với vai trò là đầu mối về giải quyết việc làm, đào tạo nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, các Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực miền Trung đã tăng cường kết nối để hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thường xuyên liên kết tổ chức các sàn giao dịch việc làm online để hỗ trợ người lao động nói chung, lao động thuộc diện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động từ miền Nam trở về địa phương do chịu tác động của đại dịch Covid-19, sớm quay lại thị trường lao động.

Tương tự, nhiều tỉnh, thành phía Bắc, miền Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long đã cùng tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu. 

Nhiều giải pháp kết nối thông tin thị trường lao động

Sáng ngày 26/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai và Bình Dương đã tổ chức ký kết trực tuyến Chương trình Phối hợp thực hiện công tác giai đoạn 2021–2025 (gồm ký kết Chương trình Phối hợp thực hiện công tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm: Đồng Tháp - Đồng Nai và Đồng Tháp - Bình Dương).

Mục tiêu của việc ký kết nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp công tác giữa ba Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, Đồng Nai và Bình Dương trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm có việc làm phù hợp năng lực; góp phần giảm tình trạng thiếu hụt lao động trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo điều kiện ổn định, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động, đảm bảo công tác an sinh xã hội.

Trước đó, ngày 11/11 cũng đã diễn ra lễ ký kết Phối hợp thực hiện công tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang với Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương và giai đoạn 2021-2025.

Với mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp công tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, thông tin thị trường lao động và công nghệ thông tin nhằm góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các chế độ, chính sách cho doanh nghiệp và người lao động.

Tại buổi ký kết các đơn vị đã thống nhất các nội dung ký kết tập trung ưu tiên các lĩnh vực như: Chia sẻ cách thức thực hiện kết nối việc làm cho người lao động quay trở lại thị trường lao động sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; chia sẻ thông tin kinh nghiệm trong việc tư vấn cho người lao động thuộc các đối tượng như: lao động tự do, lao động phổ thông, lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn, bộ đội xuất ngũ, lao động yếu thế…

Đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong công tác thu thập, lưu trữ, tổng hợp phân tích, dự báo thị trường lao động, phối hợp thực hiện sàn giao dịch việc làm online thường xuyên giữa Bình Dương và Bắc Giang; Trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn như các phần mềm: tư vấn, giới thiệu việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề, tìm việc nhanh trên Website, ngân hàng việc làm, liên kết các trang Zalo, facebook, qua các app… để kết nối tìm kiếm việc làm…

{keywords}
Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa các Trung tâm Dịch vụ việc làm

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm - ông Tào Bằng Huy thì để phát huy vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, khắc phục những hạn chế hiện nay về công tác thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp, trong đó chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức kết nối thông tin cung cầu lao động giữa các địa phương trong khu vực.

Trước hết sẽ rà soát, sắp xếp, tổ chức hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cải cách cơ chế tài chính, chính sách cán bộ của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của chính sách này, để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động

Song song với đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ như thu thập, phân tích dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động; đa dạng hóa các hình thức tổ chức giao dịch việc làm, tổ chức kết nối thông tin cung cầu lao động giữa các địa phương trong khu vực.

Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm có sự kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội...

Và cuối cùng, theo ông Bằng, là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các trung tâm để dần hiện đại hóa hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, của chuyển đổi số.

Trên toàn quốc hiện có 83 trung tâm dịch vụ việc làm. Trong số này, có 63 trung tâm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và 20 trung tâm thuộc các tổ chức chính trị - xã hội quản lý.

Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cả nước bình quân mỗi năm tư vấn được gần 2,3 triệu lượt lao động, gần 1.200 phiên giao dịch việc làm được tổ chức. Đồng thời, kết nối giới thiệu việc làm thành công cho từ 800-900 nghìn người, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 800 nghìn người.

Có thể nói, cùng với việc triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo các Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Quyết định số 23 và 28,… của Trung ương cũng như các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp mà các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã góp phần giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều lao động đã được chuyển đổi nghề, tham gia trở lại thị trường lao động và có việc làm, thu nhập ổn định bảo đảm đời sống.

Chi Nguyễn