Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng bị đình trệ. Kéo theo đó là hàng triệu người lao động bị mất việc

Trong bối cảnh này, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, làm điểm tựa bù đắp cho người lao động khi bị mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới.

Như nhiều lao động khác, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Thống (thị xã Cửa Lò) lâm vào cảnh thất nghiệp cùng nhiều công nhân khác của công ty.

Thời điểm đó, dù Thành phố Vinh đang thực hiện cách ly xã hội, nhưng anh Thống đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An hướng dẫn thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp bằng hình thức trực tuyến. Nhờ có số tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng nên gia đình anh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

“Trong đợt giãn cách, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã tạo điều kiện là cho phép tôi gửi thông tin qua mail hoặc qua đường bưu điện. Tôi đã lên mạng tải mẫu giấy về, điền đầy đủ thông tin và gửi qua đường bưu điện. Trung tâm cũng tạo điều kiện khi tư vấn, gọi điện thông báo rằng nếu dịch bệnh không thể đi lại được, mình không phải đến mà vẫn được tạo điều kiện chuyển tiền hỗ trợ, khi nào hết dịch bệnh sẽ lên hoàn tất thủ tục sau”, anh Thống nói.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Để hỗ trợ người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã nâng cao hiệu quả giải quyết các chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời điểm cách ly xã hội, Trung tâm đã áp dụng công nghệ thông tin kịp thời để xây dựng hệ thống nộp hồ sơ online, thông báo việc làm online, tra cứu kết quả khi người lao động nộp hồ sơ qua bưu điện. Đồng thời triển khai thông báo rộng rãi trên trang web của trung tâm và các mạng xã hội như zalo, facebook,...

Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp gắn với giới thiệu việc làm

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung tâm đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi và nâng cao tính chính xác trong công tác giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp”.

Như vậy, người lao động không phải đến trực tiếp trung tâm, hạn chế tập trung đông người nhưng vẫn được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp kịp thời, đúng quy định.

Chị Nguyễn Lê (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng cho hay, trong đợt dịch vừa qua, khi địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, Trung tâm đã tạo điều kiện cho những trường hợp ở xa mà dịch bệnh không vào được TP để đến với Trung tâm thì có thể gửi qua đường bưu điện và fanpage nhằm tạo điều kiện cho mọi người được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đến hết tháng 10 năm 2021, Nghệ An đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 12,5 nghìn người, với số tiền chi trả hơn 189 tỷ đồng. Dự kiến số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do tác động của dịch lên thị trường lao động.

Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 3 năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

{keywords}
Một phiên giao dịch việc làm cho người lao động ở Tương Dương, Nghệ An

Theo Tổng cục thống kê, trong quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III năm 2021 tồi tệ hơn. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Trung bình trong 9 tháng năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,3 triệu người (tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).

Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Đây là một chính sách cần thiết để người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.

Hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cũng luôn theo dõi việc thông báo tìm kiếm việc làm của người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ đó, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 44.000 lượt lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới.

Có thể nói bảo hiểm thất nghiệp đang là điểm tựa cho hàng triệu người lao động khi giúp họ có nguồn tài chính, vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì cuộc sống. Mặt khác bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính khi không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Hải Nguyên

Bảo hiểm thất nghiệp là 'điểm tựa' cho người lao động trong giai đoạn khó khăn

Bảo hiểm thất nghiệp là 'điểm tựa' cho người lao động trong giai đoạn khó khăn

Khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định cuộc sống trong thời gian đi tìm công việc mới.