Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở…” (Điều 32) và Nhà nước phải “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59).

Nhà ở cho người thu nhập thấp được tăng cường với việc thông qua Luật nhà ở 2014

{keywords}
Công dân và quyền có nơi ở hợp pháp

Nhằm bảo đảm quyền công dân và quyền có nơi ở hợp pháp, trong những năm qua Nhà nước đã nỗ lực phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp được tăng cường với việc thông qua Luật nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở, phòng chống bão lụt; Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo ở khu vực nông thôn.

Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo được triển khai mạnh mẽ. Cho tới tháng 3/2018, trên 570.000 hộ nghèo khu vực nông thôn được hỗ trợ về nhà ở; trên 14.000 hộ nghèo khu vực miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng chống bão, lụt; 982 dự án với quy mô 190.841 hộ thuộc chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng Sông Cửu Long được hoàn thành; 100 dự án nhà ở công nhân với tổng quy mô 41.000 căn hộ được hoàn thành và đang tiếp tục triển khai 72 dự án với quy mô khoảng 88.000 căn hộ; có 89/95 dự án nhà ở cho sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí khoảng 220.000 sinh viên, 06 dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện; đã hoàn thành 84 dự án cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, quy mô khoảng 33.700 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 134 dự án, quy mô gần 81.000 căn hộ.

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu xây dựng tối thiểu 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở. 

Quyền có nơi ở hợp pháp của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 được hiểu ở những góc độ sau:

Vấn đề nhà ở luôn được coi là vấn đề quan trọng, đặc biệt đối với con người Việt Nam, bởi tư tưởng “an cư lạc nghiệp” đã ăn sâu, bén rễ trong suy nghĩ từ ngàn đời nay. Việc hiến định về quyền có nơi ở hợp pháp trong Hiến pháp 2013 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhằm giải quyết chỗ ở ổn định của người dân, bảo đảm được khả năng tái tạo sức lao động của họ cũng như sự phát triển của thế hệ trẻ, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội.


Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền có nơi ở của công dân và cần phải coi đây là yếu tố cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện, đồng thời là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội lần thứ XI của Đảng và theo quy định tại Điều 59 Hiến pháp 2013 thì Nhà nước phải có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở, nhất là cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp. Chính sách về phát triển nhà ở phải được thể hiện trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phải tuân thủ quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của mỗi địa phương, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhà ở, khắc phục tình trạng lệch pha cung-cầu trong phát triển nhà ở.

Bên cạnh đó, phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở bao gồm nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ; nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội. Và, cùng với việc tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương phải đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong phát triển và quản lý sử dụng nhà ở.

Thanh Lan