Với mục đích khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững, hiệu quả, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh.

Ngày 2/6/20221, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch số 75/KH-UBND về việc “Thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

{keywords}
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thúc đẩy phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và khuyến khích sản xuất các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi. Ảnh Tuấn Kiệt

Kế hoạch đặt ra mục tiêu tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao, chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh, đặc sản, đặc hữu của tỉnh, chăn nuôi hướng tuần hoàn, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết, giảm giá thành sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo sinh kế của người nông dân; nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi trong các trang trại, hướng đến nghề chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa…

Khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn tự nghiền, phối trộn để giảm chi phí giá thành sản xuất.

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người. Quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ, giảm dần số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong các khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Chuyển đổi số, số hóa được công tác quản lý dữ liệu ngành chăn nuôi thông qua phần mềm công nghệ thông tin từ khai báo chăn nuôi ban đầu, số lượng biến động đàn vật nuôi, cơ cấu đàn, thông tin dịch bệnh...để cảnh báo chăn nuôi, quản lý, chỉ đạo kịp thời.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2045 sẽ phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, nâng cao tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp; sản phẩm chăn nuôi chủ yếu được sản xuất trong các trang trại được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, giảm chăn nuôi nông hộ. Xây dựng, hình thành các vùng, khu chăn nuôi tập trung, hàng hóa với phương thức chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.

Kiểm soát tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm, đưa hoạt động giết mổ cơ bản vào các cơ sở giết mổ tập trung quy mô vừa, lớn. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh có khả năng lây nhiễm sang con người. Số hóa công tác quản lý các hoạt động chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi, đánh giá cung cầu để phát triển theo cơ chế, nhu cầu thị trường.

Trong kế hoạch, Chủ tịch UBND Trần Song Tùng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu, các ban ngành chuyên môn cần làm tốt tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chăn nuôi; cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi

Xây dựng, hoàn thiện các nhóm chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi: Tiếp tục chỉ đạo, định hướng phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường: Chủ động kiểm soát và khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm, tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô vừa, quy mô lớn; hỗ trợ, khuyến khích cơ sở chăn nuôi áp dụng các quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP để ổn định tình hình dịch bệnh, ổn định nguồn cung ứng sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; xã hội hóa công tác tiêm phòng vắc xin, phát huy vai trò chủ động của người chăn nuôi. Củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận cấp xã, hộ chăn nuôi, nhanh chóng phát hiện và xử lý nhanh, gọn, triệt để khi dịch bệnh mới xuất hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; tham mưu xây dựng các chương trình, đề án có liên quan; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch tại các địa phương.

Phối hợp thông tin, tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách, kế hoạch, định hướng phát triển sản xuất chăn nuôi của nhà nước đến các doanh nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi và cán bộ trực tiếp quản lý hoạt động chăn nuôi tại các địa phương để nắm vững và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Các ban ngành, chức năng khác phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch.

Tuấn Kiệt