Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 3 đột phá chiến lược tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ so với nhiệm kỳ trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực tiễn cũng xuất hiện những khó khăn, vướng mắc và những yêu cầu mới đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ hơn, sát hợp hơn các đột phá chiến lược. Chính vì vậy, văn kiện Đại hội XIII đặc biệt chú trọng việc xác định các đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện, yêu cầu 5, 10 năm tới.

{keywords}
Những quyết sách được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng có tầm nhìn chiến lược, sát thực tiễn sẽ là tiền đề cho giao thông bứt phá trong thời gian tới. Ảnh minh họa Hồng Nhì

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với mục tiêu: “Đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đại hội xác định một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong 5 năm tới là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Một số chỉ tiêu cụ thể về hạ tầng giao thông đến năm 2025 là hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đặt ra mục tiêu về hạ tầng giao thông đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài...

Những quyết sách được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng có tầm nhìn chiến lược, sát thực tiễn sẽ là tiền đề cho giao thông bứt phá trong thời gian tới. Do đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đề ra, Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải đã tiếp tục phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời nghiên cứu, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để ban hành nghị quyết chuyên đề đảm bảo thiết thực, ngắn gọn, có tính khả thi cao.

Hồng Hạnh