Chiều 25/5/2021, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày Châu Phi và Lễ ra mắt Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA).

Đây  sẽ là diễn đàn gắn kết và điểm đến của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có chung mục tiêu thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược, phát huy lợi thế cạnh tranh, phối hợp hành động song phương và đa phương.

Ông Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho biết, với khoảng 1,2 tỷ dân, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, liên kết khu vực và quốc tế gia tăng, châu Phi đang vươn mình trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới.  

{keywords}
Xuất khẩu gạo

Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và châu Phi đã tăng gấp gần 3 lần trong vòng một thập kỷ qua. Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và châu Phi mới chỉ đạt 2,52 tỷ USD.  Năm 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 7,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỷ USD hàng hóa các loại.

Năm 2020, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và châu Phi giảm nhẹ do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng hóa của Việt Nam có mặt tại hầu hết các nước châu Phi, trong đó, các thị trường lớn là Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà…

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy hứa hẹn châu Phi, nhưng vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ, như thiếu thông tin về môi trường, tập quán kinh doanh, pháp lý, hệ thống chính sách và cơ chế thương mại…, dẫn đến nhiều rủi ro đầu tư.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho hay, thế mạnh và lợi thế của Việt Nam là một nước sản xuất lương thực lớn, là quốc gia đứng thứ hai xuất khẩu gạo, đứng thứ vị cao trên thế giới về xuất khẩu nhiều loại nông sản: thủy sản, cà phê, điều, tiêu, cao su…  

Nhiều năm qua tham gia thực hiện Chương trình hợp tác Nam – Nam (Việt Nam và các nước Nam châu Phi), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã huy động được 2.000 lượt chuyên gia của ngành nông nghiệp Việt Nam sang giúp đỡ các nước châu Phi sản xuất lúa, ngô, đỗ, rau màu, điều.

PGS.TS Đào Thế Anh nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ ngành chế biến thực phẩm, vì vậy rất cần các nguồn nguyên liệu nông sản từ châu Phi. Chẳng hạn, điều thô là nguyên liệu mà ngành chế biến điều đã nhập khẩu rất nhiều từ châu Phi trong nhiều năm qua. Các nhà khoa học cùng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hướng đến hợp tác đầu tư thúc đẩy sản xuất nhiều loại cây lương thực, cây công nghiệp tại châu Phi, để đưa sản phẩm về Việt Nam phục vụ chế biến rồi tái xuất khẩu.

Nhiều vị đại sứ châu Phi phát biểu, đưa ra nhiều khuyến cáo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn, thương mại với các đối tác ở châu Phi. Theo đó, châu Phi có 54 nước với các thể chế và định hướng phát triển khác nhau, có nhiều luật, tiêu chuẩn, tập quán cũng khác nhau, chưa kể thủ tục hành chính còn rườm rà khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tương đối cao.

Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA) sẽ trở thành biểu tượng của niềm tin, cây cầu của tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam các nước Châu Phi trên nền tảng hợp tác, chia sẻ, tổng hợp sức mạnh riêng của từng nước trên con đường tiến tới hòa bình, thịnh vượng.

Rất nhiều rủi ro khi đầu tư vào thị trường này, trong đó phải kể đến rủi ro về mức độ cam kết của các nước châu Phi không cao, bộ máy hành chính cồng kềnh, hạ tầng kém, an ninh – xã hội bất ổn… "Các doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn đối tác và đàm phán kỹ càng, đồng thời giám định hàng hóa một cách cẩn trọng" một số đại sứ cảnh báo.

Các doanh nghiệp cũng có thể xây dựng kho hàng tại các nước châu Phi, để bảo đảm tiến độ nguồn hàng, cũng như chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần kiên trì khi làm ăn với các đối tác tại khu vực này, từng bước thiết lập quan hệ, giữ chữ tín, có thể nghiên cứu, tiếp cận theo thị trường lớn hoặc theo khối thị trường như Liên minh Kinh tế-Tiền tệ Tây Phi, Cộng đồng Kinh tế-Tiền tệ Trung Phi, Thị trường chung Đông và Nam Phi.

Các đại sứ của các nước châu Phi cũng đã đánh giá cao những thành quả của nông nghiệp Việt Nam, mong muốn học hỏi những thành tựu và thúc đẩy nhiều hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Việt Nam và các nước châu Phi cần tăng cường các kênh đối thoại, trao đổi thông tin giữa hai bên, trong đó các doanh nghiệp nên đóng vai trò xúc tác.

Duy Linh