Quảng Ngãi hiện có 5 huyện miền núi là Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long, chủ yếu là người dân tộc Kor, Hr’ê, Ca Dong sinh sống chủ yếu bằng nghề nông.

Những năm trước, bà con chủ yếu chỉ chăn nuôi để phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình nhưng nay họ đã biết mở rộng mô hình để chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế.

{keywords}
Thoát nghèo nhờ thúc đẩy chăn nuôi nông hộ

Hơn 2 năm nay, hầu hết các hộ dân tại thôn Thanh Bình, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng đều mở rộng mô hình chăn nuôi bò 3B (bò lang trắng xanh Bỉ - bò BBB, có nguồn gốc từ Bỉ). Đây là giống bò thịt đặc biệt của thế giới được tạo ra từ năm 1919 nhờ lai tạo giống bò địa phương của Bỉ với bò Shorthorn (Pháp) - giống bò thịt đặc biệt có cơ bắp phát triển siêu trội, ngoại hình đẹp, khả năng sử dụng thức ăn tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Hiện hầu hết các sản phẩm từ chăn nuôi nông hộ ở các huyện miền núi Quảng Ngãi được thị trường ưa chuộng. Việc người dân chủ động trong phát triển kinh tế nông hộ, nắm bắt nhu cầu thị trường, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình từ những con giống bản địa, giống có giá trị kinh tế cao là tín hiệu đáng vui mừng. Đây sẽ là một trong những hướng đi góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Ông Đinh Quang Ven - Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, thời gian gần đây các hộ dân phát triển chăn nuôi ngày càng nhiều. Nhờ tuyên truyền, hướng dẫn của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, người dân đã thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi. Thấy sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, cho thu nhập cao, nhiều người sẽ muốn làm.

Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi nông hộ của người dân miền núi còn gặp một số khó khăn về nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm, nguồn giống chất lượng... Do đó, bên cạnh những hộ chăn nuôi thành công thì cũng có không ít hộ thất bại.

Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ các hộ phát triển chăn nuôi con giống bản địa hoặc những loại giống có giá trị kinh tế cao đã qua thử nghiệm phù hợp với khí hậu địa phương nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Anh Phương