Việc xây dựng, thực hiện và quản lý nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, mà còn giúp bảo tồn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bởi, khi thương hiệu của sản phẩm có vị thế trên thị trường, giá trị thương phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm sẽ được nâng lên rất nhiều.

{keywords}
Hà Nội đã thực hiện bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể cho khoảng 40 sản phẩm nông nghiệp. 

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Thủ đô Hà Nội đã thực hiện bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể cho khoảng 40 sản phẩm nông nghiệp, điển hình là: Gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, chuối Cổ Bi, bưởi tôm vàng Đan Phượng..., góp phần xác định thương hiệu, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị thương phẩm. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ, giá bán tăng thêm từ 15% đến 20%; thị trường được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp thị, cung ứng các sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố...

Mặt khác, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu cũng được chặt chẽ hơn, thông qua việc hình thành các tổ chức đại diện cho các đơn vị, hộ gia đình cùng tham gia sản xuất, kinh doanh; là cơ sở, căn cứ quan trọng để thực hiện các mục tiêu đổi mới về kinh tế và tổ chức sản xuất ở địa bàn nông thôn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vì một tương lai xanh cho cả cộng đồng. Dự kiến, trong năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ có ít nhất 20 sản phẩm nông nghiệp khác được xây dựng để gắn nhãn hiệu tập thể, góp phần khẳng định uy tín thương mại, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm hấp dẫn, chất lượng.

Quang Ninh