Tôi đi họp phụ huynh được nghe hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất: Ông bố giục con trai đi cắt tóc, cậu trai mới lớn phản đối kèm theo lý do “cô giáo không nhắc chứng tỏ đã cần phải cắt đâu”. Câu chuyện thứ hai: Cô con gái năm cuối cấp trung học cơ sở nhất định đòi đi học tiếng Anh ở một trung tâm nổi tiếng “vì vui”, dù chương trình ở đó cả nhà biết không hề phù hợp với mục đích thi cử trong tương lai rất gần.

Hai ông bố bà mẹ chung một nỗi niềm không bảo được con, đem chuyện ra hỏi kinh nghiệm của dân trong nghề, nghề làm cha mẹ.

Đó chỉ là hai trong vô vàn tình huống xảy ra khi trong nhà có đứa trẻ đến tuổi dậy thì. Vấn đề là thời nào cũng có trẻ dậy thì, nhưng tại sao trẻ con thời nay nhất định phải dậy thì theo cách ồn ào nhất mà chúng biết. Lớp có hơn 40 học sinh, phụ huynh nào cũng than con mình gần đây trở nên ương bướng, khó bảo, muốn tự do làm điều mình thích và có xu hướng đối đầu với những việc cha mẹ sắp xếp.

Điều này ít xảy ra với đám trẻ thế hệ 8x trở về trước. Trẻ con khi ấy ương bướng nghịch ngợm đến mấy cũng chỉ dám thể hiện bên ngoài ngôi nhà của chúng, nếu bày trò quậy phá trong nhà thì chắc chắn hôm đó phụ mẫu đều đi vắng. Nhiều đứa ở trường nổi tiếng là học sinh cá biệt nhưng bố mẹ không hề biết, bởi bước chân vào nhà tất thảy đã đều là những đứa trẻ ngoan. Không phải dối trá lọc lừa, chỉ đơn giản là trẻ con ngày trước sợ bố mẹ, nỗi sợ có lúc cụ thể như sợ ăn đòn nếu hư, cũng có khi mơ hồ, gia phong nền nếp không thể có một đứa con lạc kiểu. 

{keywords}
Trao cho con quyền quyết định một vài chuyện không có nghĩa là bố mẹ mất hoàn toàn kiểm soát. Ảnh minh họa: Kênh 14

Lứa trẻ ngày xưa bị áp đặt và chấp nhận những áp đặt của các bậc cha mẹ, từ sinh hoạt hàng ngày cho đến nghề nghiệp cả đời. Người Việt Nam bao nhiêu thế hệ đã như thế. Một đứa trẻ dù đã từng rất hư, rất nghịch thì khi lớn lên, trở thành bố mẹ của những đứa trẻ khác cũng sẽ có lúc răn dạy con mình theo đúng cách mà cha mẹ họ đã làm, với cùng một suy nghĩ cố hữu “bảo phải nghe”.

Trao quyền đâu đồng nghĩa mất kiểm soát

Thế hệ 7x, 8x – bố mẹ của phần lớn những đứa trẻ đang dậy thì ở thời điểm này có lẽ sẽ không phải đau đầu trong việc bảo ban con mình đến vậy nếu không có sự bùng nổ thông tin của thời đại số. Đầu tiên phải kể đến các thông tin về tư tưởng và phương pháp giáo dục mà các bậc phụ huynh tiếp cận. Hầu hết các nền giáo dục tiên tiến Âu, Mỹ hay Nhật đều có chung quan điểm là khuyến khích sự phát triển cá nhân, khuyến khích trẻ phản biện, đưa ra ý kiến của riêng mình.

Tiếp theo là quan điểm bình đẳng, dân chủ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với trẻ con. Ngày xưa bố mẹ không được phép bày tỏ ý kiến của mình thì bây giờ họ trao cho con họ quyền đó từ tấm bé. Mà trẻ con thì nhanh lắm, chúng biết nắm bắt và vận dụng nhuần nhuyễn quyền làm chủ của chúng, không còn chuyện sợ bố mẹ đến mức về nhà là im thin thít không dám có ý kiến gì. Trẻ con bây giờ thẳng thắn nói ra điều mình không thích, không muốn và dường như cãi lý với bố mẹ nhiều hơn.

Việc cha mẹ rút kinh nghiệm từ chính thời thơ ấu của mình, không giáo dục con theo lối cũ vô tình lại tạo cho con khả năng phản ứng tức thời với những lập luận nghe qua không phải là không có lý. Vậy là phụ huynh tự nhiên mắc kẹt, bởi họ không biết làm sao để vừa tôn trọng ý kiến “hợp lý” của con lại vừa có những đứa con nghe lời.

Sự bối rối chắc chắn sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa. Lý do thì ngoài việc mắc kẹt như đã nói ở trên còn có một phần là do nhiều ông bố bà mẹ chưa ý thức được hết về “quyền hạn” của mình. Trao cho con quyền quyết định một vài chuyện không có nghĩa là bố mẹ mất hoàn toàn kiểm soát, trên hết thì họ vẫn là những người nuôi dưỡng và giám hộ đứa trẻ, họ có quyền được biết toàn bộ mọi chuyện liên quan đến con của họ và càng có quyền dạy bọn trẻ những điều đúng đắn.

Trở lại hai câu chuyện mở đầu bài viết, bố mẹ sẽ làm gì khi bọn trẻ lập luận theo kiểu “tóc của con, việc học của con, quyền của con”? Nếu là ông nội với bố ngày xưa, chỉ cần một câu “Tao là bố hay mày là bố?” là giải quyết xong mọi chuyện. Nhưng giờ thì không thể, nói chuyện với trẻ con, nhất là với đám trẻ dậy thì mà cứ phi lý thì việc chúng phản kháng và làm những điều tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra.

Đừng lạc đường trong những lý sự của bọn trẻ đi, sự thực là trẻ con bây giờ có thể ngay lập tức đưa ra vài lý do cho việc làm của chúng và rất nhiều điều trong đó là ngụy biện dù chúng không cố ý, như là trao trách nhiệm nhắc nhở mình cắt tóc cho cô giáo chẳng hạn.

Thay vào đó hãy thuyết phục con bằng những lý do khách quan, điều mà bọn trẻ dễ chấp nhận, ví dụ như để tóc quá dài trong khi con chưa thật chú ý lắm đến vệ sinh sẽ làm những người tiếp xúc với con cảm thấy không thoải mái rồi dần dần không muốn đến gần con nữa, hay đến câu lạc bộ tiếng Anh dù vui nhưng không thi được lên bậc học tiếp theo, nếu phải nghỉ học con làm gì để sống?

Tôi tin sẽ chẳng có đứa trẻ nào cam tâm đánh đổi lòng tự trọng và tương lai của mình vì những điều vớ vẩn. Mọi lý sự tuổi dậy thì rồi sẽ dần trở nên chín chắn hơn, miễn là chúng ta bình tĩnh ngồi xuống với con trước đã.

Xuyên Diệp