Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” vừa được tổ chức tại thủ đô Washington, nước Mỹ hôm 26/3/2019.

Hội thảo do Ban Chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701) cùng Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) phối hợp tổ chức. 

{keywords}
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giới thiệu với Thượng nghị sĩ Leahy một số hình ảnh khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Báo QĐND

Nơi tổ chức mang tính biểu tượng rất cao cho sự hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải hận thù, đó là Viện Hòa bình Hoa Kỳ.

Một phần của chương trình đã được nói đến cách đây vài tháng tại trung tâm Stimson cũng tại thủ đô nước Mỹ, về việc hợp tác giải quyết các chất nổ còn sót lại tại Việt Nam, và việc hợp tác này là một động lực thúc đẩy quan hệ Mỹ- Việt.

Hôm 26/3, chương trình được mở rộng hơn, với sự tham dự hùng hậu của hai bên. Phía Việt Nam ngoài sự có mặt của đương kim Đại sứ Hà Kim Ngọc, còn có cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, và có lẽ quan trọng nhất là sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Phía Mỹ người có vai vế quan trọng nhất là Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người thường xuyên có các cuộc thăm viếng Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngoài ra còn có ông Joseph H. Felter, trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách khu vực Đông Nam Á.

Chắc không phải vô tình mà hai người mở đầu buổi hội thảo là đại diện cho ngành quốc phòng hai nước, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Felter.

Dĩ nhiên những vấn đề được thảo luận ở cuộc hội thảo đều có liên quan đến ngành quốc phòng, như rà phá bom mìn, tẩy độc căn cứ quân sự Biên Hòa, tìm kiếm quân nhân Mỹ và Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh.

Nhưng có phải tương lai của quan hệ Việt - Mỹ có liên quan nhiều đến quốc phòng hay không?

Ít nhất phía Việt Nam, nếu có nghĩ đến điều đó cũng không lộ ra trong buổi hội thảo này. Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã mở đầu buổi hội thảo với việc nêu bật quan hệ chính trị giữa hai bên, tiếp đến là vấn đề xây dựng lòng tin.

Các thành viên của đoàn Việt Nam thể hiện đúng tinh thần chủ đề của hội thảo là hàn gắn vết thương chiến tranh thúc đẩy hợp tác tương lai.

Người ta thấy, tham dự cuộc hội thảo còn có những nhân chứng người Việt, từng kinh qua chiến tranh, chứng kiến bom đạn, chất độc da cam, đến thủ đô nước Mỹ với sự thành tâm quên đi hận thù, và hợp tác trong tương lai.

Phía người Mỹ dường như muốn nói nhiều điều hơn thế!

Một mặt họ công nhận trách nhiệm của nước Mỹ giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, dùng sự hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh làm động lực cho sự hợp tác đôi bên. Mặt khác họ cũng nêu lên vị trí của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu mới của nước Mỹ.

Các diễn giả Mỹ 12 lần nêu lên thuật ngữ Ấn Độ dương - Thái Bình Dương, một không gian chiến lược bao gồm bốn cường quốc Ấn Độ, Úc, Mỹ và Nhật Bản. Một không gian chiến lược được liên tục nêu ra trong hai năm trở lại đây, gắn liến với các cuộc tuần tra Tự do hàng hải ngang quan Biển Đông đã được khởi động cách đây hơn ba năm.

Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương nhưng không bao gồm Trung Quốc. Điều đó được ngầm hiểu là một chiến lược toàn cầu đối phó với tham vọng siêu cường, thay đổi trật tự thế giới của Bắc Kinh, kẻ được coi như “con voi trong phòng”, ý nói kẻ vắng mặt nhưng phủ bóng lên quan hệ Việt Mỹ, theo lời một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong buổi hội thảo.

Một diễn giả Mỹ đề cập việc cấm vận công ty Hoa Vi, bị tình nghi làm gián điệp bằng các thiết bị viễn thông bán ở phương Tây. Một người Mỹ khác nói đến chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.

Ngoài những điểm chính yếu dường như được nhiều người Mỹ hiện nay quan tâm khi họ nhìn về Việt Nam, buổi hội thảo còn một lần nữa được người Mỹ dùng để hồi tưởng cuộc chiến tranh từng chia rẽ nước Mỹ rất lâu dài, với sự tham gia của những người từng gắn bó với Việt Nam trước đây trong cuộc chiến, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.

Ông Hagel cũng là người kết thúc buổi hội thảo bằng những phát biểu về bài học của cuộc chiến Việt Nam, đó là đừng áp đặt những giá trị mà mình coi là tốt đẹp lên người khác.

Nhìn chung cuộc hội thảo là kết quả chứ không phải là sự mở đầu của mối quan hệ Mỹ-Việt đang diễn ra một cách tốt đẹp.

Phía Việt Nam có thể vì một lý do nào đó đã không đề cập nhiều đến chiến lược, nhưng đã nói rằng hai quốc gia có những quyền lợi chung, như lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Quyền lợi chung đó là gì nếu không phải là những gì đang diễn ra ở Biển Đông mấy năm nay, với sự xuất hiện của "con voi trong phòng" ngày càng có vẻ hung hăng?

Người ta hiểu rằng hai bên cần có nhau, nhưng có thể cách nói ra là khác nhau. Người Việt Nam nói môt cách kín đáo, gián tiếp. Người Mỹ bộc trực hơn nói thẳng cái mình muốn.

Sự bộc trực đó không khỏi làm cho chính họ nói đến sự trớ trêu của lịch sử, khi mà cách đây hơn nửa thế kỷ họ đã đến đánh nhau với đất nước xa lạ, nay họ trở lại hợp tác với chính đất nước đó, tìm kiếm sự ủng hộ của đất nước đó trong những chiến dịch tự do hàng hải của họ.

Song điều quan trọng hơn cả là thái độ của cả hai bên. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đương kim Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam và ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đều nói về quyền lợi chung.

Joaquin Nguyễn, từ Virginia, nước Mỹ.